Chính phủ Hy Lạp vào cuối tuần đã cam kết sẽ có những nhượng bộ trước các chủ nợ để được cấp khoản vay trị giá hàng tỷ euro, tránh vỡ nợ, nhưng vẫn giữ lập trường phản đối chính sách khắc khổ trong thời điểm trước khi hội nghị thượng đỉnh khẩn của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) diễn ra tại Brussels vào đầu tuần tới. Biểu tình trước Bộ Tài chính Hy Lạp ở thủ đô Athens phản đối thỏa thuận cho vay của IMF và EU. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi vẫn bác bỏ các yêu cầu về cắt giảm lương hưu và tăng một số loại thuế, các nhà lãnh đạo Hy Lạp lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận để được giải nhân 7,2 tỷ euro khoản vay cuối cùng trong gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu mất kiên nhẫn sau nhiều tháng đàm phán không đi đến kết quả, xoay quanh các biện pháp cắt giảm ngân sách và cải cách mà Hy Lạp cần phải nhất trí để đổi lại tiếp tục được cứu trợ, và một số người không ngần ngại nói đến khả năng Hy Lạp là quốc gia đầu tiên phải ra khỏi Eurozone.
Những người đứng đầu EU đang chờ đợi những đề xuất mới về ngân sách và cải cách kinh tế từ Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis được báo chí Đức dẫn lời nói Hy Lạp đã chuẩn bị tinh thần cho những nhượng bộ hơn nữa tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra nếu không bị yêu cầu về những gì các chính phủ trước đây đã thực hiện, chấp nhận các khoản vay mới với những điều kiện mang đến cho nước này hy vọng có thể thanh toán được nợ. Cuộc họp toàn thể của chính phủ Hy Lạp sẽ diễn ra vào ngày 21/6 để bàn về các đề xuất mới.
Trong lúc các ngân hàng đang phải dựa vào nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và hàng tỷ euro đang bị rút ra mỗi ngày, Hy Lạp có thể sẽ phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, trừ phi có bước đột phá tại hội nghị thượng đỉnh của Eurozone.
Các bộ trưởng tài chính châu Âu không tin tưởng vào khả năng đạt thỏa thuận cuối cùng vào ngày 22/6, nhưng hy vọng có được sự đồng thuận cần thiết để đi đến một thỏa thuận đầy đủ vào cuối tháng.