Ngày 6/3, lực lượng Iraq đã đánh bật các tay súng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ra khỏi thị trấn miền Tây al-Baghdadi thuộc tỉnh Anbar (Iraq), cách một căn cứ không quân có binh lính Mỹ đồn trú khoảng 8km.
Khói bốc lên sau vụ không kích của không quân Iraq vào các khu vực IS chiếm giữ ở Fallujah. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo tuyên bố của quân đội Mỹ, lực lượng an ninh Iraq và các chiến binh bộ lạc ở khu vực Anbar đã giải phóng al-Baghdadi với sự hỗ trợ từ các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu, giành lại đồn cảnh sát và 3 cây cầu bắc qua sông Euphrates. Hiện lực lượng người Kurd và quân đội Iraq cũng đang nỗ lực đẩy lùi IS ra khỏi các khu vực khác mà nhóm phiến quân này chiếm được năm ngoái.
Trước đó, ngày 13/2, IS đã chiếm thị trấn al-Baghdadi, gây đe dọa đối với căn cứ không quân Ain al-Asad, nơi lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq. Kể từ ngày 22/2, Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành 26 cuộc không kích quanh al-Baghdadi.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ IS bởi hành động khủng bố và vi phạm luật nhân đạo quốc tế sau khi nhóm này tàn phá các di sản văn hóa tại thành phố cổ Nimrud.
Phát biểu trong một tuyên bố, người phát ngôn của ông Ban Ki-moon cho biết TTK LHQ quan ngại sâu sắc trước hành động trên của IS, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo chính trị và tôn giáo cùng lên án các cuộc tấn công này. Ông Ban Ki-moon khẳng định hành động tàn phá có chủ ý các di sản văn hóa cấu thành tội ác chiến tranh cũng như tấn công vào nhân loại nói chung.
Trước đó, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa hoạc của LHQ (UNESCO) Irina Bokova cũng mạnh mẽ chỉ trích hành động của IS, coi “tội ác” này là một cuộc tấn công khác vào người dân Iraq. Một lần nữa, bà Bokova kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo ngăn chặn các cuộc tấn công này tái diễn cũng như đóng góp trực tiếp tài chính cho khủng bố thông qua buôn bán các cổ vật.
Cùng ngày, các tay súng IS đã tấn công vào mỏ dầu Al-Ghani, miền nam Libya, và sát hại 8 nhân viên bảo vệ. Tuần trước, lực lượng này cũng tấn công vào các cơ sở lọc dầu tại miền đông nước này, buộc Công ty dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) phải tuyên bố ngừng hoạt động 11 mỏ dầu.
TTXVN/Tin tức