Quốc hội Iraq đã thông qua danh sách chính phủ mới do Thủ tướng được bổ nhiệm người Shiite là ông Haider al-Abadi đứng đầu, trong đó có nhiều chức danh do người Sunni và Kurd nắm giữ.
Một số thành viên trong nội các mới của Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nội các Iraq có 24 bộ trưởng nhưng đang thiếu bộ trưởng quốc phòng và nội vụ. Ông Abadi cho biết chưa thông báo tên của hai người này và cam kết sẽ thông báo trong vòng một tuần nữa để có thêm thời gian đàm phán với các đảng phái về hai chức danh nhạy cảm này.
Trong danh sách, ông Abadi đã bổ nhiệm ông Ibrahim Jafaari, người từng là thủ tướng trong chính phủ lâm thời Iraq giai đoạn 2005 - 2006, vào vị trí ngoại trưởng Iraq. Các phó thủ tướng gồm ông Salih al-Mutlak, một người Sunni; ông Bahaa al-Araji, một người Shiite; và ông Hoshyar Zebari - cựu ngoại trưởng người Kurd.
Quốc hội Iraq cũng đã thông qua chương trình hoạt động của chính phủ mới trong 4 năm tới. Chương trình gồm các công việc như hòa giải dân tộc, xây dựng lại quân đội, phân quyền hành chính, chống khủng bố, hòa giải với khu tự trị người Kurd...
Việc Iraq thành lập được một phần chính phủ toàn diện diễn ra sau nhiều tuần bế tắc và được coi là một bước đột phá, nhằm đoàn kết các giáo phái trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt nhiều hi vọng vào chính phủ mới của Iraq, coi đây là một bước ngoặt lớn. Ông cho biết ông mong chính phủ mới của Iraq có thể “đoàn kết mọi cộng đồng Iraq để xây dựng một đất nước đoàn kết, vững mạnh, trao cho các cộng đồng cơ hội xây dựng tương lai mà mọi người dân Iraq mong muốn”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thông báo hơn 40 nước đã thành lập một liên minh chống phiến quân IS. Mục tiêu của liên minh là phối hợp chống mối đe dọa mà IS đặt ra và mỗi nước sẽ có vai trò khác nhau trong cuộc chiến này.
Nhật Huy