Khó kỳ vọng giảm lãi suất dài hạn

Từ đầu tháng 9/2015 đến nay, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động. Không ít ý kiến lo ngại, điều này đồng nghĩa với việc, kỳ vọng hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1- 1,5% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khó khả thi.


“Giữ chân” người gửi tiền


Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8/2015 đã đạt mức 10,23% so với cuối năm 2014, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái là con số rất ấn tượng.

Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Một chuyên gia kinh tế nhận định: Mặc dù NHNN chưa công bố số liệu cụ thể nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ trọng vốn chảy vào bất động sản thời gian qua khá mạnh mẽ. Thị trường bất động sản ấm lên sẽ buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để vừa giữ chân người gửi tiền, vừa tăng khả năng huy động và đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường này. “Lãi suất cho vay cũng vì thế sẽ phải tăng để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận cho ngân hàng”, chuyên gia này khẳng định.

Lãi suất trung, dài hạn cần phải giảm thêm, thậm chí chỉ ở mức 7% thì doanh nghiệp mới dám vay để đầu tư các dự án lâu dài.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Biểu lãi suất ngắn hạn mới nhất tại một số NHTM cỡ vừa và nhỏ cho thấy đều có mức tăng từ 0,1 - 0,3%. Trong báo cáo phân tích tháng 9/2015 của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), những biến động về tỷ giá vừa qua đã tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Để giữ vững niềm tin của người gửi tiền bằng VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. “Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, NHNN sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp. Mặc dù có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng có thể sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm”, đại diện BVSC nhận định.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất bao bì lo ngại: Chủ trương của NHNN là khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng với tình hình thực tế là lãi suất huy động đều nhích lên, đặc biệt với cho vay tiêu dùng thì khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng. Còn ông Võ Anh Tú, Tổng giám đốc NSAS - đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics cho rằng, hạ lãi suất vay luôn có tác động tốt tới doanh nghiệp. Lãi vay ảnh hưởng lớn nhất đến giá thành, tác động tới đầu ra của sản phẩm. Nhưng lãi suất huy động ngày càng tăng thì lãi suất vay khó giảm.

Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù từ đầu năm đến nay, rất nhiều ngân hàng tung ra thị trường các gói tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng nhìn chung lãi suất vẫn không giảm nhiều so với năm 2014. Cụ thể: Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn, trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, sản xuất kinh doanh hiệu quả được vay với mức 6 - 7%/năm.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhu cầu tín dụng năm nay sẽ cải thiện so với năm 2014, song muốn khơi được dòng chảy tín dụng, trước hết phải xem xét giảm thêm lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn ít nhất 1,5 - 2%/năm. Với trần lãi suất huy động 5,5%/năm hiện nay, việc giảm thêm lãi suất không ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. “Dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 3% mà doanh nghiệp phải trả lãi vay vốn trung, dài hạn 11%/năm là bất hợp lý, nên giảm xuống 9 - 10%/năm”, TS Lịch nói.

Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 5,2%/năm (tăng 0,1%); tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 5,3%/năm (tăng 0,2%), kỳ hạn 6 tháng là 5,9%/năm (tăng 0,4%) và kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm (tăng 0,3%). Biểu lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm, mức tăng tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) từ 0,2 - 0,3%/năm.

Còn TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia khuyến nghị, các ngân hàng nên duy trì lãi suất tiền gửi từ 4 - 7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6 - 10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Đề cập về lãi suất vốn cho vay trung, dài hạn còn cao, đại diện NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh lý giải: Mức lãi suất cho vay trung, dài hạn 10 - 11%/năm được các ngân hàng áp dụng chủ yếu rơi vào các khoản cho vay phi sản xuất. Còn lãi suất cho vay trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp xoay quanh mức 9%/năm. Riêng lãi suất cho vay tại các NHTM có vốn nhà nước là 8 - 9%/năm.

Để giải quyết bài toán lãi suất trung dài hạn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và NHNN cần có một gói hỗ trợ cho vay trung, dài hạn giống như gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đang triển khai. Gói hỗ trợ này được triển khai theo hướng giúp doanh nghiệp có nguồn vốn trung, dài hạn để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ bằng nguồn vốn với lãi suất rất thấp khoảng 5 - 6%/năm và ổn định trong 5 - 10 năm.

Minh Phương
Mập mờ lãi suất mua hàng trả góp
Mập mờ lãi suất mua hàng trả góp

Cùng với xu hướng cho vay tiêu dùng đang ngày càng phổ biến thì những rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua hàng trả góp cũng ngày càng lớn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN