Phe đối lập thành lập liên minh mới
Cuộc xung đột kéo dài 19 tháng qua tại Syria (Xyri) đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực cùng với những vụ đạn pháo từ Syria bắn sang Ixraen và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 12/11 đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực tiếp diễn tại Syria, đồng thời hối thúc Syria và Ixraen tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn ở cao nguyên Golan năm 1973 để chấm dứt cuộc chiến tranh Trung Đông.
Xe bọc thép tuần tra tại cửa ngõ căn cứ quân sự Tel Hazeka của Ixraen ở cao nguyên Golan ngày 11/11. Ảnh: THX /TTXVN |
Quân đội Ixraen một ngày trước đó đã bắn cảnh cáo sang phía Syria tại khu vực cao nguyên Golan, đáp trả việc một quả đạn pháo từ phía Syria rơi trúng một chốt gác của Lực lượng phòng vệ Ixraen ở cao nguyên Golan. Đây là động thái đáp trả quân sự đầu tiên của Ixraen tại khu vực này sau khi liên tiếp hứng chịu "đạn lạc" từ Syria bắn sang trong những ngày qua. Bên cạnh đó, quân đội Ixraen cho biết đã thông báo tình hình với lực lượng LHQ đóng tại Golan, cảnh báo rằng Ixraen sẽ không dung thứ và sẽ đáp trả "cứng rắn" tình trạng đạn pháo từ Syria bắn sang lãnh thổ Ixraen. Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu cùng ngày tuyên bố Ixraen đang "dõi theo chặt chẽ những gì xảy ra ở biên giới với Syria cũng như sẵn sàng cho bất cứ diễn biến nào".
Ixraen chiếm cao nguyên Golan của Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Sáu năm sau, hai bên quyết định thiết lập vùng phi quân sự, trong đó LHQ triển khai Lực lượng giám sát ngừng bắn tại Golan (UNDOF) và gia hạn hoạt động của lực lượng này 6 tháng/lần kể từ năm 1974. Về mặt kỹ thuật, Ixraen và Syria vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì hai bên không ký kết thỏa thuận hòa bình.
Trong khi đó, quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có dấu hiệu căng thẳng khi ngày 12/11, đạn pháo từ Syria đã rơi trúng một khu nông nghiệp ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng tin tư nhân Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quả đạn pháo đã rơi xuống thị trấn Ceylanpinar thuộc tỉnh biên giới Sanliurfa của Thổ Nhĩ Kỳ. Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã vài lần bắn trả đũa nhau sau vụ đạn pháo từ Syria rơi xuống thị trấn biên giới Akcakale cũng thuộc tỉnh Sanliurfa, làm 5 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen trong cuộc gặp báo chí ở Praha (CH Séc) đã tuyên bố, NATO đã lên kế hoạch bảo vệ quốc gia thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cuộc khủng hoảng Syria lan sang nước láng giềng này.
Trong một diễn biến khác, các nhóm đối lập tại Syria ngày 12/11 đã công bố thành lập liên minh mới, mang tên "Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria" và ông Moaz al-Khatib, một nhân vật ôn hòa, được bầu làm người đứng đầu liên minh này. Liên minh mới với thành phần tập hợp rộng rãi đại diện của các nhóm đối lập trong và ngoài nước, sẽ tập trung vào việc thành lập một chính quyền quá độ, giống như mô hình Hội đồng dân tộc chuyển tiếp ở Libi sau khi cố lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ hồi năm ngoái. Theo một lãnh đạo của nhóm đối lập chính, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), liên minh mới sẽ có 60 thành viên, trong đó có 22 thành viên thuộc SNC.
Hồng Hạnh (tổng hợp)