Kiên Giang: Làm giàu trên đất nhiễm mặn

Cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông) gồm các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân có một mặt tiếp giáp với Biển Đông bao la; hai bên là sông Cửa Tiểu và Cửa Đại. Do địa thế đặc thù nên điều kiện sản xuất và đời sống của bà con ở các xã này cũng đặc biệt khó khăn. Tách biệt giữa bốn bề sông nước, hàng năm có nơi bị nhiễm mặn từ 3 đến 6 tháng. “Trong cái khó ló cái khôn”, nông dân Võ Văn Mười ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, đã có cách làm đột phá, thu nhập cao nhờ mô hình chuyên canh mãng cầu xiêm.


 

Sầu riêng RI6 - nhóm trái cây đặc sản Tiền Giang.

 

Ông Mười cho biết, gia đình ông có 7 nhân khẩu, hơn 5.000 m2 đất canh tác. Trước đây, phần đất trên được gia đình ông trồng lúa. Đất nhiễm phèn lại nhiễm mặn nên năng suất thấp, có năm mặn xâm nhập sớm và kéo dài là mất trắng. Ông Võ Văn Mười nghiên cứu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chuyên canh mãng cầu xiêm. Sở dĩ ông Mười chọn trồng mãng cầu xiêm thay lúa, bởi đây là cây truyền thống của địa phương, có đặc điểm chống chịu được điều kiện sinh thái đặc biệt khó khăn, năng suất cao và quan trọng hơn cả là tiêu thụ dễ dàng và giá cao.


Năm 2004, ông Mười bắt đầu trồng mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát nhằm lợi dụng bộ rễ và khả năng chịu mặn, chịu phèn tuyệt vời của cây bình bát. Cách làm của ông Mười là đắp mô trên ruộng với khoảng cách mỗi mô là 0,7 m và hàng cách hàng 4,5 m. Trên mô trước tiên trồng cây bình bát. Khi bình bát được 10 - 12 tháng tuổi bắt đầu ghép bo mãng cầu xiêm lên thân cây. Ưu điểm của phương pháp ghép bo là cây mãng cầu xiêm phát triển nhanh, mau cho trái. Để đạt yêu cầu về kỹ thuật cần chọn bo khỏe mạnh và lấy từ những cây mãng cầu xiêm bố mẹ có năng suất cao, sai quả và chất lượng quả đẹp, ngon. Khi cây mới trồng, chưa khép tán, dưới ruộng nông dân vẫn cấy lúa bình thường. Đây cũng là một cách lấy ngắn nuôi dài hiệu quả, giảm khó khăn cho kinh tế hộ trong thời gian mãng cầu xiêm chưa cho thu hoạch.


Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ sau 2 năm tuổi mãng cầu xiêm cho trái bói (trái chiến), sau 3 - 4 năm tuổi bắt đầu khai thác ổn định. Đáng chú ý, trong việc thâm canh mãng cầu xiêm, khâu kỹ thuật hết sức quan trọng, giúp việc khai thác cây hiệu quả, cho năng suất và chất lượng cao, vườn lâu già cỗi. Sau năm thứ 4 trở đi, vào đầu mùa mưa hàng năm ông Mười đều tỉa cành tạo tán một lần để khống chế chiều cao, đồng thời phun thuốc trừ sâu bệnh gây hại định kỳ cứ 10 - 12 ngày phun 1 lần. Chủ yếu trừ rầy hoặc rệp sáp, kết hợp bón phân để dưỡng cho cây sung mãn, cho trái sai. Trong mùa khô, phải thường xuyên tưới nước vào gốc, không để cây bị khô hạn làm suy kiệt. Khi đến mùa đơm hoa kết quả, phải để ý giúp cây thụ phấn bằng phương pháp nhân tạo để đạt năng suất cao. Cây đã đậu trái cũng phải tuyển chọn, không để nhiều trái khiến cây bị suy, cho trái không đẹp.


Không giấu niềm vui khi được mùa mãng cầu xiêm ông Mười cho biết, với hơn 5.000 m2 đất trồng chuyên canh, mỗi năm ông đạt sản lượng trên 10 tấn quả, giá bán dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau vụ thu hoạch, trừ chi phí, ông còn lãi từ 60 - 80 triệu đồng, đạt lợi nhuận 150 - 160 triệu đồng/ha đất canh tác, cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa năng suất cao trước đây.


Bài và ảnh: Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN