Báo cáo với Tổ công tác về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ tại tỉnh Lai Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết: Trong những năm qua, UBND tỉnh Lai Châu và các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và của địa phương trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức; bổ nhiệm; tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đảm bảo đúng thẩm quyền, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và công khai, dân chủ, đảm bảo chất lượng.
Tỉnh Lai Châu cũng tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện sáp nhập, giải thể các đơn vị; thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đề ra.
Công tác quy hoạch, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch. Công chức được bổ nhiệm cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Số lượng cấp phó ở các cơ quan, tổ chức hành chính cơ bản thực hiện đúng quy định của cấp có thẩm quyền. Tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý biên chế; bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Việc xây dựng vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Tính từ tháng 6/2012 đến 31/12/2018, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng là 3.9 người; số lượng cán bộ được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động và bổ nhiệm, luân chuyển; bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến đầu tháng 4/2019 là 4.267 lượt người… Trong năm 2018, tỉnh Lai Châu thực hiện tiếp công dân 1.344 lượt với 1.996 người; tiếp nhận, phân loại và xử lý 1.619 đơn khiếu nại tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo được 12/14 vụ thuộc thẩm quyền, đạt 86%.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và Nghị quyết số 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), từ năm 2018 đến nay, tỉnh Lai Châu giảm 130 tổ chức, đơn vị so với năm 2017 do giải thể, sáp nhập; giảm 165 lãnh đạo cấp phòng trực thuộc sở, ngành và UBND cấp huyện. Từ năm 2015 đến 2018, tỉnh sắp xếp giảm 116 đơn vị sự nghiệp công lập, vượt 9,39% so với mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Kiến nghị với Tổ công tác, tỉnh Lai Châu đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Nghị định 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; Nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển đối với công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý; đề nghị Bộ Nội vụ hàng năm thẩm định giao biên chế trong các đơn vị sự nghiệp của tỉnh sớm…
Ngoài ra, tỉnh Lai Châu kiến nghị Trung ương cho phép tỉnh thực hiện tổ chức thi tuyển cho đối tượng đồng bào dân tộc để tạo nguồn cán bộ là người dân tộc, đảm bảo đáp ứng cơ cấu nguồn cán bộ địa phương trong những năm tiếp theo; có đặc thù cho ngành Y tế Lai Châu để đảm bảo tuyển dụng đội ngũ y, bác sỹ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, sau khi thành lập tỉnh, Lai Châu thiếu cán bộ trầm trọng, nhiều cán bộ, công chức có thời gian công tác ít nhất là 8 năm, lâu nhất là 30 năm chưa có quyết định tuyển dụng. Nhiều cán bộ nằm trong quy hoạch, đã được đưa đi đào tạo nhưng vẫn chưa có quyết định tuyển dụng. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, tại Lai Châu có những địa phương không đảm bảo các tiêu chí để thực hiện; có sự khác nhau trong phong tục tập quán giữa các dân tộc nên khó khăn trong quá trình thực hiện…
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu kiến nghị, Bộ Nội vụ và Trung ương xem xét cho chủ trương để một số đồng chí lãnh đạo hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ theo quy định; hướng dẫn giải quyết đối với các đối tượng thuộc diện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế; tuyển dụng cán bộ là người dân tộc…
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong Tổ công tác đã đề nghị tỉnh Lai Châu làm rõ thêm một số nội dung như: Việc sửa đổi chính sách thu hút nguồn nhân lực vào tỉnh; quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cấp phòng tại các sở, ngành; việc xử lý các trường hợp bổ nhiệm thiếu các điều kiện tiêu chuẩn; sử dụng số biên chế dôi dư hiện nay; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức...
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Lai Châu để phục vụ đoàn công tác tới kiểm tra và làm việc. Tỉnh đã thực hiện rất nghiêm túc các nội dung, các quy định của Chính phủ về lĩnh vực công tác cán bộ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các Quyết định, Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ cán bộ. Tỉnh sớm có kế hoạch cụ thể chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lưu ý, tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý nghiêm biên chế công chức, viên chức; rà soát các văn bản pháp luật ban hành phải phù hợp với các quy định của pháp luật, quy định của Chính phủ, Quốc hội và các văn bản của Trung ương; tiếp tục chỉ đạo thực hiện lịch tiếp công dân, trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu, hạn chế việc ủy quyền cấp phó tiếp công dân; không để xảy ra các điểm nóng… Về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tỉnh Lai Châu cần sớm có báo cáo để Bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định. Đối với các kiến nghị mà tỉnh Lai Châu đề xuất, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.