Từ năm 1990 - 1993, được địa phương giao quản lý 25 ha rừng, ông Vin cùng gia đình tích cực trồng các loại cây thông, mỡ, keo. Hiện rừng cây chưa được khai thác, nhưng năm 2015 gia đình ông đã được chi trả trên 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Dưới tán rừng, ông làm chuồng nuôi gà tam hoàng, gà mía thả vườn với số lượng 200 con/lứa; đầu tư quy hoạch nuôi 10 - 20 con lợn thịt/lứa.
Những ngày đầu, do thiếu kinh nghiệm cộng với yếu tố thời tiết, đàn vật nuôi của gia đình ông mắc dịch bệnh chết hàng loạt. Không nản chí, ông tìm đến học hỏi kinh nghiệm từ các hộ phát triển chăn nuôi khác trong vùng cũng như qua sách, báo, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện. Cùng với đó, chú trọng dọn dẹp, khử trùng khu chuồng nuôi và tìm mua con giống mới. Chăn nuôi thành công đã đem về cho gia đình ông nguồn thu đáng kể.
Từ số tiền để dành, ông Vin đầu tư đào ao nuôi thả cá, nuôi vịt, ngan phục vụ gia đình và bán ra thị trường. Song song với trồng rừng, phát triển chăn nuôi, vợ chồng ông tích cực vỡ đất, đào mương dẫn nước về ruộng. Phục vụ sản xuất hơn 1 ha ruộng khai hoang, năm 2000, ông Vin mua trâu về chăn nuôi làm sức cày kéo và nuôi sinh sản. Đàn trâu của gia đình ông theo đó tăng lên, cao điểm có tới hàng chục con. Phần đất trống ven rừng ông trồng 2 ha chè và cỏ voi làm thức ăn cho cá và gia súc. Thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng, giảm chi phí lao động, gia đình ông đầu tư máy cày, bừa.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Vin còn sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm, giúp đỡ các nông dân khác để cùng nhau thoát nghèo.