Sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven sông, tuổi thơ tôi có những năm tháng gắn liền với biết bao kỷ niệm về những buổi trưa hè oi ả xuống sông tắm mát, hay những đêm trăng thanh gió mát ra bụi tre bên vệ sông cùng chúng bạn chơi trò trốn tìm…
Thú hơn cả là khi mùa lũ về, nước phù sa đỏ ngầu dâng ngập đến cả sân nhà, chúng tôi chơi trò gấp thuyền giấy thả trôi sông.
Làng có hơn 200 hộ dân, với cái tên chính thức là Bầu hẳn hoi, vậy nhưng người dân trong làng, cũng như mọi người trong vùng vẫn thường gọi bằng cái tên nôm, đó là: Làng Chài! Sở dĩ là như vậy vì nơi đây tập trung chủ yếu là những người làm nghề chài lưới. Theo tôi được biết qua lịch sử của làng thì, làng tôi được hình thành cũng đã vài trăm năm, và mới đầu chỉ là một vạt đất bồi, cao ráo rộng rãi, bằng phẳng được những người thuyền chài từ tứ xứ neo thuyền dựng lều lán làm nơi trú ngụ mỗi khi ngơi nghỉ.
Mới đầu chỉ là chục túp lều, về sau số lượng tăng lên qua năm tháng. Theo như nội tôi kể lại thì thời ông bà về đây làng đã khá trù phú, có đến gần trăm nóc nhà và dải đất bồi đã được lập làng kín phân nửa. Ông bà nội tôi cũng là dân chài nay đây mai đó, và mãi đến khi định cư tại bến sông này mới sinh ra bố tôi… Đến đời tôi thì làng đã không còn đất trống nữa.
Khi lập làng, chỉ một ít hộ dân còn làm nghề chài lưới, đại đa số đã chuyển hẳn sang công việc trồng trọt, làm nghề phụ và chăn nuôi, buôn bán. Nhà có đất thì trồng ngô, khoai, đậu đỗ. Nhà không có đất thì chăn nuôi lợn gà, chế biến đậu phụ. Không ít nhà vào trong đồng thuê sạp ở chợ để bán buôn kiếm sống.
Gia đình tôi thì làm đậu phụ từ đời ông bà, khi ông bà mất đi thì bố mẹ tôi lại tiếp nghề. Thi thoảng mẹ vẫn “kiếm thêm” chút tiền dưa, muối bằng nghề chở đò cho khách qua sông, vì bên kia sông là một cái chợ phiên cứ năm hôm họp một lần nên người dân ở hai bên sông vẫn có nhu cầu qua lại trao đổi, mua bán hàng hóa. Người lớn vất vả, trẻ con trong làng thì ngoài thời gian học hành vẫn phải phụ giúp cha mẹ làm các công việc lặt vặt nên đứa nào đứa nấy cũng lem luốc, nheo nhóc.
Tôi mới lên mười đã thạo việc tuốt, từ giúp mẹ say đậu tương mỗi sáng để ép đậu, hay băm bèo, nấu cám, cho gà ăn… Chẳng riêng gì nhà tôi mà hầu hết các hộ dân ở làng đều nghèo vì vậy những dịp “đứt bữa” thiếu đói trong những dịp tháng ba, ngày tám là thường tình.
Nhưng những tháng ngày ấu thơ trong ngôi làng bên sông nghèo khó, lam lũ đã chắp cánh cho nghị lực biết vượt khó trong tôi luôn trỗi dậy. Không chỉ tôi, mà ở ngôi làng này, nhà nào cũng có con đỗ đại học, và dường như những người trẻ luôn ý thức phải vươn lên, phải “thoát ly”, thoát khỏi cảnh đói nghèo bằng con đường học hành. Chính vì vậy mà dần dần, bộ mặt làng quê ngày một trù phú đổi mới với sự giúp sức của các thế hệ những người trẻ của làng.
Dưới những tán tre xanh, nhiều ngôi nhà mái ngói, nhà tầng kiểu cách mọc lên thay thế cho các ngôi nhà lụp xụp tồi tàn. Đời sống của người dân ngày một no ấm, hầu như chẳng có mấy ai phải thiếu đói như xưa...
Xa quê đã lâu nay trở về, nhìn ngôi làng bên sông yêu dấu đổi thay, lòng tôi chộn rộn niềm vui khôn tả. Lần nào trở về tôi cũng không quên ra bìa làng, đứng dưới tán tre xanh mướt ngắm nhìn dòng sông loang loáng và tìm chút hoài niệm xa xăm về một thời ấu thơ với biết bao nhiêu là kỷ niệm…
Lê Kết