Lãnh đạo chính trị Anh chạy đua thời gian trước khi Scotland trưng cầu dân ý về độc lập

Trong một nỗ lực nhằm giữ chân Scotland không tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành quốc gia độc lập, Thủ tướng Anh David Cameron  ngày 9/9 thông báo ông sẽ tới Scotland để vận động người dân nơi đây bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu ý dân quyết định việc Scotland tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh hay tách ra thành quốc gia độc lập, 8 ngày trước khi diễn ra sự kiện này.

Theo dự kiến, chuyến đi sẽ có sự tham gia của Phó Thủ tướng Nick Clegg và thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband để cùng vận động cử tri Scotland hành động vì một "khối liên minh tốt đẹp hơn". Trước đó, ngày 5/8, các nhà lãnh đạo trên cũng đã ký tuyên bố chung cam kết dành cho Scotland nhiều quyền lợi hơn về pháp luật và thuế nếu Scotland đồng ý tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh.


Cùng ngày, ba chính đảng lớn nhất nước Anh gồm đảng Bảo thủ, Công đảng và Tự do-Dân chủ đã ủy nhiệm cho cựu Thủ tướng nước này Gordon Brown tới Scotland thuyết phục cử tri xứ này bỏ phiếu "Không" trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày 18/9 tới.


Cựu Thủ tướng Anh-chính trị gia gốc Scotland này hứa hẹn rằng Quốc hội Anh sẽ ban hành luật mới, theo đó sẽ trao quyền lợi tối đa cho Nghị viện Scotland. Dự luật này sẽ được bắt đầu xây dựng từ ngày 19/9/2014 nếu cử tri Scotland bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc tuyên bố độc lập .


Thủ tướng Anh David Cameron thông báo sẽ tới Scotland để vận động người dân.


Ông Gordon Brown đã thảo ra lộ trình cơ bản về xây dựng luật mới, bao gồm một cuộc lấy ý kiến rộng lớn vào cuối tháng 10 tới, tiếp đó là công bố rộng rãi các nội dung được thảo luận kể từ cuối tháng 11 và dự thảo luật dự kiến sẽ hoàn chỉnh vào tháng 1/2015. Lộ trình này cho phép các nghị sĩ được bầu trong cuộc bầu cử tháng 5/2015 bỏ phiếu để thông qua luật này. Ngoài ra, tuyên bố của ông Brown cũng hứa hẹn chính quyền Anh chuyển giao nhiều quyền độc lập hơn cho Scotland trong các lĩnh vực gồm ngân sách công, thuế và các phúc lợi xã hội... Theo ông, đề xuất này tiến rất gần tới mô hình Nhà nước Liên bang. Cựu Thủ tướng của Công đảng cố gắng thuyết phục cử tri Scotland cần cân nhắc kỹ và đưa ra quyết định lựa chọn sáng suốt giữa một bên là sự chia cắt không thể đảo ngược và một bên là Nghị viện Scotland mạnh hơn và nhiều quyền lợi hơn. Trong khi đó, những người ủng hộ đòi độc lập cho Scotland lại cho rằng những hứa hẹn trên chỉ là một "mưu toan muộn màng" của Quốc hội Anh nhằm mua chuộc cử tri Scotland.


Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất công bố ngày 9/9, tỷ lệ cử tri ủng hộ Scotland độc lập và duy trì như một phần của Vương quốc Anh gần như ngang bằng nhau và vẫn có khoảng 20% người được hỏi đang lưỡng lự giữa quyết định "Có" hay "Không" với kế hoạch độc lập của Scotland.


Scotland chiếm 1/3 diện tích đất liền ở Anh và là nơi đặt hệ thống tên lửa đánh chặn Trident nổi tiếng của nước này. Việc Scotland rút khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ dẫn đến những nghi ngờ về vị thế của nước này trên trường quốc tế.



TTXVN/Tin Tức

NATO quan ngại việc Scotland tách khỏi Anh
NATO quan ngại việc Scotland tách khỏi Anh

Nhiều nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ quan ngại về việc Scotland tách khỏi Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN