Lễ hội chọi trâu bị lạm dụng, biến tướng

Với đặc trưng là nước nông nghiệp, thì phần lớn lễ hội ở nước ta đều nhằm tôn vinh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đồng thời giáo dục con người luôn biết gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Có lẽ, lễ hội chọi trâu cũng bắt nguồn từ ý nghĩa như vậy.

 

Với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng (ra đời cách đây khoảng 1.000 năm, từ đời Vua Lý Thánh Tông và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013), ý nghĩa của nó là cầu cho mưa thuận, gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước ở miền châu thổ Bắc Bộ gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh. Nhưng cao hơn cả là đề cao tinh thần thượng võ, tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, duy trì kỷ cương làng xã và thể hiện tính nhân văn sâu sắc của người dân vùng biển. Nét độc đáo của chọi trâu Đồ Sơn là sau khi kết thúc lễ hội, trâu thắng được mổ thịt để tế trời đất, cầu mùa màng bội thu. Còn với những người dự lễ hội, người ta tin rằng, được ăn thịt trâu chọi sẽ gặp được nhiều may mắn.


Trải qua thăng trầm của lịch sử, hội chọi trâu Đồ Sơn bị mai một và được khởi phục từ năm 1990 với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Sự phục hồi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là việc làm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời cũng tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương.


Nhưng cũng thật buồn, lễ hội chọi trâu đang bị lạm dụng, phát triển tràn lan, biến tướng, phản cảm, gây sốc. Những sới chọi chẳng khác đấu trường thời trung cổ; hội chọi trâu biến thành nơi bán thịt trâu chọi; cờ bạc trá hình, dịch vụ cắt cổ... Hình ảnh đập vào mắt người xem là những màn đấu bạo lực, sừng móc vào mắt “đối phương”, máu chảy lênh láng. Hội tan là nhan nhản các sạp thịt đỏ au cả trâu thắng lẫn trâu thua. Ghê rợn là những chiếc đầu trâu được cắt rời dựng bên sạp thịt, mắt vẫn mở thao láo... Dù được gọi là một lễ hội truyền thống, nhằm tạo không khí vui vẻ cho “tháng ăn chơi”, nhưng đã xuất hiện những tranh luận xung quanh lễ hội này; đặc biệt có nhiều ý kiến phản bác, cho rằng, đây là lễ hội “phản nông nghiệp”. Bởi, cứ mỗi mùa lễ hội qua đi, lại có biết bao nhiêu con trâu không còn cơ hội được gặm cỏ! Còn đâu nữa những giá trị khởi nguồn tốt đẹp khi người ta xẻ thịt những “đấu sĩ” dù thắng hay thua?


Dù chưa có một thống kê nào chỉ ra mỗi năm ở nước ta có bao nhiêu cuộc chọi trâu được nâng lên thành lễ hội, tiêu tốn bao nhiêu con trâu khỏe mạnh và dân ta đã đổ ra bao nhiêu tiền bạc, thời gian vào những lễ hội như thế. Nhưng có thể thống kê được tại lễ hội chọi trâu mới toanh ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vừa qua, đã có hơn 30 chú trâu bị xẻ thịt. Cũng như những hội chọi trâu khác, trong con mắt của nhiều người, hội chọi trâu Phúc Thọ trở thành “hội thịt trâu”, một “cuộc thịt rượu” không hơn không kém. Theo tục cũ, chỉ con trâu thắng trận mới mang ra xẻ thịt để tế thần và mời du khách. Còn bây giờ, toàn bộ các con trâu chọi đều bị xẻ thịt và bán với giá cắt cổ. Ở hội chọi trâu Phúc Thọ, rẻ thì cũng ngót ngét 1 triệu đồng/kg (với con giành giải ba), từ 4 - 5 triệu đồng/kg (con giành giải nhất); riêng chiếc thủ của “ngưu vương” đã có giá 10 triệu đồng...


Vẫn biết cuộc chơi nào cũng đều có hai mặt và lễ hội nào cũng thể hiện tính tích cực và mặt hạn chế của nó. Với lễ hội chọi trâu, người thấy vui thì ủng hộ; người yêu động vật thì cảm thấy nhói lòng. Nếu không có những điều chỉnh, sự mê tín và coi nặng yếu tố kinh doanh lời lãi có nguy cơ biến một lễ hội truyền thống thành một sàn đấu mang nặng tính bạo lực và bị hoen ố bởi đồng tiền.


Không biết, Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới sẽ nhìn nhận và đánh giá thế nào về lễ hội chọi trâu của Việt Nam đây?

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN