Ngày 21/9, ông Ján Kubiš, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu trước báo giới cho biết LHQ nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận vừa ký giữa hai ứng cử viên đối địch trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.Hai ứng cử viên đối địch trong cuộc bầu cử tổng thống ở Afghanistan là ông Abdullah Abdullah (trái) và ông Ashraf Ghani ký thoả thuận chia sẻ quyền lực. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo đó LHQ coi đây là bước đi quan trọng hướng tới việc củng cố hòa bình, trật tự và an ninh tại quốc gia Nam Á này. Ông Ján Kubiš kêu gọi các tổ chức chính trị và toàn xã hội Afghanistan thực hiện nghiêm túc những nội dung trong thỏa thuận, đồng thời cam kết LHQ sẽ ủng hộ mọi nỗ lực của chính phủ mới ở Afghanistan trong việc ổn định tình hình đất nước.
Chỉ ít giờ sau khi hai ứng cử viên đối lập tại Afghanistan nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, Mỹ đã đưa ra tuyên bố đầy lạc quan rằng Washington và Kabul sẽ nhanh chóng ký kết Hiệp ước an ninh song phương (BSA), vốn bị trì hoãn từ cuối năm 2013 và từng khiến quan hệ hai nước dậy sóng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc hội đàm với hai nhà lãnh đạo mới của Afghanistan với cam kết tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kabul. Tuyên bố của Nhà Trắng đánh giá cao thỏa thuận mở đường cho tiến trình chuyển giao quyền lực tại quốc gia Nam Á này và tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược với Kabul.
BSA từng khiến mối quan hệ Mỹ - Afghanistan dậy sóng hồi cuối năm 2013. Nếu được ký kết, hiệp định này sẽ cho phép 12.000 binh lính nước ngoài, trong đó có khoảng 8.000 lính Mỹ, tiếp tục hiện diện tại Afghanistan sau năm 2014 để đảm nhiệm vai trò cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh, quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như ngăn chặn Taliban trở lại nắm quyền.
Theo kế hoạch, văn kiện này đáng lẽ phải được ký trước ngày 31/12/2013 nhưng vì nhiều lý do đã bị Tổng thống Afghanistan khi đó là ông Hamid Karzai trì hoãn.
Để cứu vãn hiệp định, cuối năm 2013, Washington đã phải lùi thời hạn chót ký BSA sang đầu năm 2014 và tuyên bố người ký BTA không nhất thiết phải là Tổng thống mà có thể là Bộ trưởng Quốc phòng hoặc một quan chức cấp cao của Afghanistan chịu trách nhiệm về việc này
TTXVN/Tin tức