'Liều thuốc cứu sinh' chưa đến với Hy Lạp

“Liều thuốc cứu sinh” 31,5 tỉ euro vẫn chưa dễ dàng được “bơm” vào nền kinh tế Hy Lạp tới khi cuộc đàm phán marathon giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế bắt đầu từ hôm 8/9 vẫn chưa có kết quả.

 

Người Hy Lạp biểu tình tại Thessaloniki phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ.

 

Ngày 10/9, các đại diện của “bộ ba” tham gia cứu trợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã có cuộc họp đầu tiên với Thủ tướng Hy Lạp, Antonis Samaras. Tại cuộc họp này, Aten đã đệ trình chương trình cắt giảm 11,5 tỉ euro và tiếp tục chờ đợi quyết định của ba chủ nợ lớn nhất.


Trước đó, hôm 9/9 các kiểm toán viên của Hy Lạp và nhóm “bộ ba” đã làm việc cả ngày lẫn đêm để xem xét, liệu quốc gia đang ngập trong “núi nợ” này có thực hiện đủ các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” để có thể nhận 31,5 tỷ euro, trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro, vào thời gian tới. Các chủ nợ muốn Hy Lạp giải quyết vấn đề gian lận tài chính nhằm tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh kế hoạch tư nhân hóa, theo đuổi chương trình cải tổ thị trường lao động. Sau cuộc thảo luận có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras, nguồn tin tiết lộ: “Chúng tôi chưa hoàn tất bất kỳ thỏa thuận nào. Tất cả mới chỉ dừng lại ở các điều khoản chung”.


Hy Lạp buộc phải hoàn tất một chương trình tài chính khắc khổ mới trong vài ngày tới để đạt chỉ tiêu tiết kiệm 11,5 tỉ euro trong năm 2013 và 2014, nhưng Aten đã “nài nỉ” các chủ nợ quốc tế nới lỏng một “khoảng không” tối thiểu, với lý do rằng việc cắt giảm ngân sách quá nhiều và quá nhanh sẽ chỉ càng làm suy sụp nền kinh tế. Chìm sâu trong cuộc suy thoái năm thứ 5 liên tiếp, kinh tế Hy Lạp tăng trưởng âm khoảng 20% và tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 24,4% trong tháng 6/2012.


Bầu không khí xã hội Hy Lạp cũng đang hết sức ngột ngạt. Hôm 8/9, 12.000 người đã tuần hành tại thành phố Thessaloniki để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Aten sắp thực hiện. Người biểu tình cảnh báo Thủ tướng Antonis Samaras có thể "dẫn đất nước đến thảm họa" với các chính sách khắc khổ mới. Các nghiệp đoàn chính và đảng đối lập cũng tham gia biểu tình và đụng độ dữ dội với cảnh sát.

 

T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN