Ngày 30/9, lực lượng người Kurd ở Iraq tuyên bố đã đẩy lùi các tay súng thuộc nhóm phiến quân tự xưng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) khỏi một cửa khẩu chiến lược ở biên giới với Syria.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin chính quyền người Kurd xác nhận họ đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rabia, vị trí chiến lược quan trọng nhất nối thành phố Mosul lớn nhất miền Bắc Iraq với nước láng giềng Syria.
Lực lượng người Kurd ở Iraq tuyên bố đã đẩy lùi các tay súng IS khỏi cửa khẩu chiến lược Rabia (vị trí số 1).
|
Bên cạnh đó, bộ lạc Shammar ở Rabia đã tuyên bố toàn bộ cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni lớn nhất miền Tây Bắc Iraq này sẽ tham gia chiến đấu cùng với người Kurd. Theo một thành viên có thế lực của Shammar, đây là kết quả của một thỏa thuận giữa bộ lạc này với tổng thống khu tự trị người Kurd sau ba tháng đàm phán, nhằm liên kết lực lượng để đối phó với "kẻ thù chung".
Việc giành được sự ủng hộ của các bộ lạc Sunni vốn hỗ trợ hoặc chấp thuận bước tiến của phiến quân IS được coi là một trong những thành công lớn nhất kể từ khi chiến dịch tấn công IS bắt đầu, gây khó khăn hơn cho hoạt động của phiến quân ở cả hai bên biên giới.
Trong diễn biến khác cùng ngày, một làn sóng bạo lực mới đã bùng phát tại thủ đô Baghdad của Iraq, với hàng loạt vụ đánh bom xe và tấn công bằng súng cối ở những quận có đa số người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng.
Các nguồn tin cảnh sát và y tế cho biết ngày 30/9, 2 quả bom xe đã phát nổ trong những khu phố tấp nập thuộc quận al-Horreyya ở Baghdad, làm 20 người chết và 35 người bị thương. Ngoài ra, 5 người đã thiệt mạng và 15 người bị thương trong một vụ tấn công bằng súng cối ở khu vực Sab al-Bour phía Bắc Baghdad. Đến cuối ngày 30/9, ít nhất 7 người thiệt mạng và 18 người bị thương khi một quả bom xe phát nổ ở quận Zaa'faraniya phía Nam Baghdad. Ba quả đạn cối bắn xuống quận al-Shula phía Tây Nam Baghdad cũng làm 3 người chết và 12 người bị thương.
Hiện chưa có lực lượng nào thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công kể trên, song phiến quân Sunni cực đoan thuộc IS từng thực hiện một số vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Iraq hồi đầu năm nay.
Cũng trong ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết Không quân Hoàng gia nước này đã tiến hành những cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq.
Trong một tuyên bố, ông Fallon nêu rõ hai máy bay Tornado đã phá hủy một số trang bị vũ khí hạng nặng của IS, tuy nhiên chỉ cho biết đây là hành động hỗ trợ lực lượng người Kurd mà không cung cấp thông tin về thời gian và địa điểm tấn công.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho hay các chiến đấu cơ Mỹ cùng ngày tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS gần thị trấn Ain al-Arab nằm trên biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (Centcom), máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện tổng cộng 11 cuộc không kích ở Syria và 11 cuộc ở Iraq trong các ngày 29 và 30/9.
Giữa lúc các tay súng IS tiến đến Ain al-Arab và chỉ còn cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài km, ngày 30/9, chính phủ nước này thông báo đã đề nghị quốc hội phê chuẩn hành động quân sự ở Iraq và Syria nhằm ngăn chặn bước tiến phiến quân. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng đã tuyên bố Ankara sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS. Dự kiến, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận kiến nghị trên vào ngày 2/10.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, ngày 30/9, IS đã trả tự do cho hơn 70 học sinh người Kurd từng bị lực lượng này bắt cóc ở miền Bắc Syria cuối tháng 5 vừa qua. Nhóm học sinh này nằm trong số 153 học sinh bị IS bắt cóc khi các em trở về từ một kỳ thi ở thành phố Aleppo. Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao IS quyết định phóng thích các học sinh nói trên.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Algeria Tayeb Louh cho biết nước này đã nhận diện các nghi phạm trong vụ bắt cóc và hành quyết công dân Pháp Herve Pierre Gourdel hơn một tuần trước đó.
Hướng dẫn viên leo núi Gourdel 55 tuổi bị nhóm vũ trang Jund al-Khilifa - tổ chức cam kết trung thành với IS bắt cóc ở Tizi Ouzo, miền Đông Algeria. Cuộc điều tra về vụ bắt cóc được giao cho một tòa án ở thủ đô Algiers chuyên thụ lý các vụ khủng bố và tội phạm có tổ chức. Các công tố viên đã đề nghị tòa án ra lệnh bắt giam những kẻ bắt cóc và điều tra nhằm xác định địa điểm mà chúng đăng tải đoạn video ghi lại cảnh hành quyết ông Gourdel lên mạng Internet.
TTXVN/Tin Tức