Miền núi phía Bắc phòng chống cháy rừng

Trước tình hình thời tiết phức tạp, các tỉnh miền núi phía Bắc đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ", thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.


 

Các lực lượng phối hợp diễn tập PCCR ở xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang.

 

Tuyên Quang: Ông Nguyễn Đức Tưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã và các chủ rừng; huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở địa phương. Chi cục xác định những vùng có nguy cơ cháy cao, vào thời gian cao điểm tổ chức cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi, tiếp nhận thông tin cháy rừng, chủ động về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra; tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội trong công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng.


UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống cháy rừng. UBND xã, phường, thị trấn, chủ rừng rà soát, bổ sung phương án phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện thực tế; kiện toàn các tổ chức quần chúng, đội xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thôn bản; tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đốt nương rẫy không đúng quy định, nắm chắc diễn biến của thời tiết, đánh giá khả năng xảy ra cháy rừng ở từng địa phương để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cũng được đẩy mạnh.


Lào Cai: UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR) tại các khu vực trọng điểm của tỉnh. Tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, huyện Sa Pa, các phương tiện chữa cháy đã được đưa đến tất cả các chốt bảo vệ, đồng thời lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, tuyên truyền vận động nhân dân sống trong khu vực vùng lõi và vùng đệm sử dụng lửa hợp lý, không đun nấu bừa bãi ở vùng dễ bắt lửa, nhất là những ngày nắng hanh, gió mạnh, tránh cháy lan.


Ở những khu rừng có thảm thực vật quý hiếm, đa dạng, có nhiều khách du lịch đến tham quan đã được ban quản lý bảo vệ nghiêm bằng biện pháp lập biển chỉ dẫn "cấm lửa", "cấm khai thác" làm đường băng chống cháy. Đặc biệt, trên 29.000 ha vùng lõi Vườn Quốc gia và các khu rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc các địa phương Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên... đã được các lực lượng chức năng bố trí đưa phương tiện chữa cháy nằm rải rác trong rừng kết hợp dựng chòi canh báo cháy ở tỷ lệ khoảng cách hợp lý để phát hiện đám cháy sớm nhất.


Lào Cai đã xây dựng hồ sơ, bản đồ xác định có 5/9 huyện trọng điểm dễ cháy rừng, gồm Sa Pa, Văn Bàn, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên và TP Lào Cai; đồng thời xác định các xã trọng điểm của 5 huyện trên và những xã thuộc các huyện khác cũng có nguy cơ cháy cao trong mùa hanh khô để huy động nhiều nhất mọi nguồn lực cho công tác PCCR. Hiện 9 huyện, thành phố của tỉnh đã duy trì tại mỗi xã, phường, thị trấn 1 tổ đội xung kích, với số lượng từ 20 - 30 người làm nòng cốt trong công tác PCCR, sẵn sàng ứng cứu các thôn, bản khi có cháy rừng xảy ra. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo biên soạn nội dung tuyên truyền PCCR ngắn gọn, dễ hiểu, đưa vào các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức PCCR cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

 

Nguyễn Văn Tý - Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN