Mô hình bán trú dân nuôi ở Quảng Trị còn nhiều khó khăn

Mô hình bán trú dân nuôi tại Quảng Trị được thực hiện tại 7 trường ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa với khoảng hơn 300 học sinh bán trú, chủ yếu là học sinh người dân tộc Pakô, Vân Kiều. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã khẳng định được hiệu quả và sự cần thiết trong quá trình dạy và học của các trường góp phần tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, đồng thời hạn chế hiện tượng học sinh bỏ học.


Tuy nhiên, mô hình bán trú dân nuôi tại các trường đang đứng trước nhiều khó khăn do tỷ lệ học sinh mỗi năm tăng, trong khi cơ sở vật chất, phòng ở không đủ đáp ứng yêu cầu về chỗ ở nội trú. Hầu hết các phòng ở được làm bằng gỗ tạm, chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, thiếu an toàn, nhất là trong những mùa mưa lũ.


Trường THCS Pa Nang (Đakrông) hiện có 197 học sinh với 7 lớp. Học sinh ở đây 100% là dân tộc Vân Kiều. Tháng 3/2011, trường được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị hỗ trợ xây dựng dãy nhà bán trú kiên cố với 3 phòng trong đó có 2 phòng ở cho học sinh. Hiện tại, trường đang có 49 học sinh ở bán trú tại trường, các em học sinh này chủ yếu các bản ở xa trường gần 20 km. Còn một lượng lớn học sinh khác ở xa trường vẫn ngày ngày phải vượt sông, vượt núi hàng chục cây số để đến trường. Ngoài ra, khoảng 50 học sinh vẫn phải ở nhờ nhà dân cạnh trường do trường không thể cung cấp đủ chỗ ở. Tại Trường Tiểu học và THCS Húc Nghì, có 2 phòng bán trú được làm bằng gỗ tạm, mỗi phòng có diện tích khoảng 15 m2, nhưng có tới 16 em ăn, ngủ và học tập.


Ông Hoàng Văn Luận, Hiệu trưởng Trường THCS Pa Nang cho biết: Trường đang đề xuất đề án chuyển đổi thành trường bán trú để hy vọng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho các em có điều kiện yên tâm ăn học, từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Thanh Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN