Mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

Người ta thường nhắc đến đồng bào Chăm với nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở làng Chăm Mĩ Nghiệp; nghề gốm cổ xưa ở làng Bàu Trúc, ít ai nói đến nghề làm nông của người Chăm Tuấn Tú, một thôn nghèo quanh năm tảo tần với rẫy nương. Thế nhưng người Chăm thôn Tuấn Tú lại có nét đặc thù: Cả làng đã xây dựng vùng chuyên sản xuất rau an toàn, được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Rau an toàn An Hải"


Một khu sản xuất rau an toàn An Hải.


Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ - chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết, để có thương hiệu "Rau an toàn An Hải", người Chăm Tuấn Tú đã chuyển đổi phương thức sản xuất rau theo kiểu truyền thống sang sản xuất rau an toàn, với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ngành chức năng. Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tài trợ hơn 2,8 tỉ đồng để triển khai toàn diện 3 hợp phần: Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng liên minh sản xuất và tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ.

Nhờ vậy, người dân đã tiếp thu kiến thức kỹ thuật về giống, qui trình sản xuất rau an toàn, kết hợp với doanh nghiệp đầu tư xây dựng đồng ruộng, nâng cấp hệ thống dẫn nước, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa; sử dụng các loại vật tư không gây hại đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng để sản xuất ra các loại rau đạt tiêu chuẩn an toàn. Các hộ đã ký kết các hợp đồng cung cấp, tiêu thụ rau an toàn với doanh nghiệp, cung cấp rau cho các cơ sở kinh doanh rau tại các chợ, siêu thị, góp phần ổn định đầu ra cho các loại rau, củ, quả an toàn. Hầu hết các hộ kinh doanh rau an toàn đều có lãi. Các hộ gia đình bà Lộ Thị Thay, ông Châu Văn Thất, Báu Văn Chờ đã trồng từ vài sào đến vài ha rau an toàn, thu lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Trước đó, các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức cho hàng trăm lượt nông dân tham gia tập huấn về quy trình sản xuất; áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, dùng phân bón hợp lý và đảm bảo thời gian cách ly sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đem lại hiệu quả cho người sản xuất.

Ông Phan Quang Thựu, Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết, việc chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân được Chi cục thực hiện thí điểm, sau đó triển khai trên diện rộng. Qua phân tích các mẫu rau, quả thu thập tại các vườn, mô hình sản xuất theo qui trình an toàn đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới mức cho phép; đồng thời tiết kiệm được một phần chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao thu nhập từ 10% - 15% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Thời gian qua, bà con Chăm Tuấn Tú cũng đã xây dựng Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp, thu hút 95 hộ chuyên sản sản xuất rau an toàn với diện tích canh tác hơn 130 ha.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, ông Nguyễn Nguyên Hưng cho biết, Hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp thành lập Liên minh sản xuất rau an toàn An Hải, trong 10 tháng năm 2011 sản xuất và tiêu thụ hàng trăm tấn rau sạch; được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể rau an toàn. Đây sẽ là cơ hội để bà con xã viên mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từng bước quảng bá rộng rãi sản phẩm rau an toàn An Hải trên thị trường trong nước. Bài và ảnh:

Đức Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN