Ngược dòng lịch sử để thấy rằng, trong suốt quá trình dài, chúng ta dù đã có tuyên truyền, đã có giáo dục lịch sử truyền thống giữ nước nhưng xem ra vẫn còn nhiều hạn chế.
Nói như một số nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử “ …chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử khi không đưa hay đưa quá qua loa, chiếu lệ các sự kiện vừa nêu vào sách giáo khoa…”.
Trở lại thực tế, chúng ta lo ngại về sự sa đà, lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc của lớp trẻ. Họ, lớp người trẻ “mù mờ” về lịch sử giống nòi không biết các danh nhân nước nhà như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung… nhưng rành rẽ danh tướng các nước khác như: Tần Thủy Hoàng, Càn Long…(Trung Quốc); Napoleon (Pháp), Hít Le (Đức). Họ không rõ về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái Hậu Dương Vân Nga, Ngọc Hân Công Chúa… nhưng rất biết rõ tiểu sử Võ Tắc Thiên, Hoàn Châu công chúa (Trung Quốc), nữ hoàng Cơ-lê-ô-pát (Ai Cập), nữ hoàng A-li-da-bét Tây-lo (Anh)… Tai hại hơn nữa là sự nhầm lẫn rất đáng lo ngại về tiểu sử, công lao, điều kiện lịch sử của các nhân vật lịch sử như: nhầm lẫn giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, Quang Trung và Gia Long… Gần đây nhất là sự kiện 2 MC của VTV nhầm lẫn Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền, khiến dư luận hết sức bức xúc.
Trách nhiệm giáo dục lịch sử thuộc về ai? Trong khi phim ảnh, tư liệu, sách báo, các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin của ta rất hạn hẹp, kể cả trên lĩnh vực giáo dục chính thống bằng sách giáo khoa về lịch sử dân tộc quá đơn điệu, hạn hẹp.
Trong khi chúng ta lơ là việc giáo dục lịch sử chiến tranh thì các thế lực lập tức đánh phá ta với nhiều thông tin gây “hỏa mù” rất nguy hiểm như: Việt Nam xâm lược đô hộ Campuchia năm 1979 đến 1989; Việt Nam xâm lược Trung Quốc và bị phản công năm 1978; Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh địa của Trung Quốc từ ngàn xưa…
Có một lịch sử “tế nhị” mà gần đây cả nước đặc biệt quan tâm là sự kiện xây dựng quảng trường trên đảo Lý Sơn để tưởng nhớ những người bảo vệ Hoàng Sa đã hy sinh. Họ là những người lính Cộng hòa nhưng vẫn là con người Việt Nam, vẫn nêu cao ý thức bảo vệ biển đảo của cha ông. Họ cũng đáng để lịch sử trân trọng về sự hy sinh của mình. Đã trên 40 năm, sự thật ấy đã được nhìn nhận thật khách quan, công bằng.
Biết muộn là chưa muộn. Điều này đã được chứng minh qua dòng thời gian. Việc đưa sự thật lịch sử các cuộc chiến tranh nhân đạo và giữ nước vào sách giáo khoa là cần thiết, thiết thực hơn bao giờ hết. Đây là hành động tối quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành động của thế hệ trẻ trước vận mệnh của đất nước trong tình hình hiện nay.