Sau TP Hồ Chí Minh, bệnh viêm não mô cầu đã xuất hiện tại miền Bắc với một bệnh nhân ở thể tối cấp đang điều trị cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Dễ nhầm với bệnh liên cầu lợn
“Ngày 11/1, bệnh nhân T, 21 tuổi (Nam Định) nhập viện trong tình trạng rất nặng: Sốt, tử ban xuất huyết lan rộng kèm theo sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, vô niệu... Thông thường, tử ban ở những bệnh nhân mắc não mô cầu thường xuất hiện rải rác nhưng ở bệnh nhân này, mức độ ban ở trên người rộng, lan cả mặt nên rất dễ nhầm với bệnh liên cầu lợn”, Ths Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết.
Triệu chứng chính của bệnh viêm não mô cầu là sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu. Cần điều trị sớm bệnh viêm màng não do não mô cầu bằng các nhóm kháng sinh như penicillin, ampicillin, chloramphenicol và ceftriaxone. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vắcxin phòng bệnh. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. (Theo Bộ Y tế) |
Trước bệnh cảnh này, các bác sĩ hướng tới 2 căn nguyên là bệnh liên cầu lợn hoặc bệnh viêm não mô cầu (một bệnh lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, dễ bùng phát thành dịch). Vì vậy, bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TƯ khẩn trương lấy bệnh phẩm, lấy máu nuôi cấy để sớm định danh vi khuẩn gây bệnh. Kết quả xét nghiệm ngày 13/1 cho thấy, bệnh nhân T. nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu.
“Ca bệnh này nếu không chuyển viện kịp thời hoặc điều trị ở cơ sở y tế không có điều kiện hồi sức tốt thì có thể đã tử vong. Bởi lẽ, bệnh nhân mắc ở thể tối cấp, tức là thể nặng và nguy hiểm nhất. Rất may, sau 7 ngày điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã qua được tình trạng sốc, không phải dùng thuốc vận mạch và ngày một tỉnh táo hơn. Chúng tôi sẽ cho làm xét nghiệm lần thứ hai, nếu kết quả âm tính thì bệnh nhân có thể xuất viện trước Tết Nguyên đán”, Th.s Nguyễn Hồng Hà cho biết.
Điều tra dịch tễ cho thấy, trước khi phát bệnh, bệnh nhân T. bán hàng tại quầy tạp hóa ở 141 Hồng Mai, Quỳnh Lôi - Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi xin phép nghỉ bán hàng và về quê ở Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định được 3 ngày, T. mới có biểu hiện phát bệnh với triệu chứng đau họng, đau mỏi cơ toàn thân, sau đó trên da xuất hiện các nốt ban xuất huyết hoại tử người mệt nhiều, sốt, tụt huyết áp.
Căn cứ trên kết quả điều tra này, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử cán bộ tới nơi bệnh nhân bán hàng tại Hà Nội, giám sát và cho 6 người từng tiếp xúc bệnh nhân uống thuốc dự phòng. “Đến nay, cả 6 người này vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh và vẫn tiếp tục được giám sát chặt để kịp thời phát hiện bệnh nếu có”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết.
Tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2001- 2011, trung bình ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu mỗi năm, chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Bắc. Bệnh có xu hướng giảm từ năm 2006 đến nay (năm 2011 ghi nhận 305 trường hợp mắc và 4 trường hợp tử vong). Bệnh xảy ra chủ yếu vào mùa xuân.
Đi khám ngay nếu sốt, ho, có tử ban trên da
Theo một số chuyên gia dịch tễ, nhiều năm qua, bệnh viêm não mô cầu thường chỉ xuất hiện rải rác vào mùa đông, xuân. Tuy vậy, người dân cần cẩn trọng vì bệnh có thể lây lan rất nhanh qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc vật dụng nhiễm vi khuẩn của người bệnh.
Nếu mắc bệnh ở thể tối cấp, bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể gây tử vong trong thời gian ngắn từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh. Đặc biệt, đây là bệnh lây lan qua đường hô hấp nên có thể bùng phát thành dịch. Tỷ lệ tử vong có thể sẽ tăng nhanh ở những vùng xa xôi, điều kiện kinh tế, y tế khó khăn. Do đó, khi phát hiện ca bệnh, cần tập trung điều trị và dự phòng tốt nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. “Khi có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp như sốt, ho, viêm họng, kèm theo phát ban đỏ thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời”, Ths Hồng Hà khuyến cáo.
Sau khi xác định bệnh nhân dương tính với viêm não mô cầu, cần báo ngay cho y tế dự phòng, để sớm triển khai các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch. Người buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì phải đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, các chất thải của bệnh nhân, phải vệ sinh bàn tay thường xuyên và cần tuân thủ việc uống thuốc dự phòng do cơ sở y tế cung cấp.
Phương Liên