Cứ mỗi mùa thu về lòng tôi lại xốn xang như trẻ nhỏ. Nhìn khoảng trời trong veo với cơn gió heo may nhẹ thổi, lòng bồi hồi lại nhớ về mùa cốm mới, một món quà đặc trưng của mùa thu mà thiên nhiên ban tặng cho con người....
Nhớ hồi còn đi học cấp 2 tôi đã say đắm mùa thu qua những áng văn mượt mà của các nhà văn Băng Sơn,Vũ Bằng. Mùa thu trong con mắt của Băng Sơn là một chút nắng vàng, một áng mây trắng lơ lửng trên không trung, một hồ sen cuối mùa thoang thoảng đưa hương, hình ảnh cô gái quê hái sen để kịp bán phiên chợ sớm ... Còn trong tác phẩm "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng là những phẩm vật nổi tiếng neo giữ bao tâm hồn tha hương: Đó là những quả hồng chín mọng, trái chuối trứng cuốc vàng xuộm, với mẻ cốm rang vội được gói bằng lá sen, đặc biệt là bàn tay đảm đang của "cô hàng xén răng đen , váy sồi đen nhức" bày biện trong bữa tiệc Trung thu...
Mùa thu cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ. Thu trong thơ Nguyễn Đình Thi là: “...Như có vàng bay trong nắng/Những vòm cây sáng trên cao/Em ơi có phải/Mùa thu về/Bên hồ sen úa nâu?” Còn trong thơ Xuân Quỳnh thì mùa thu là:
“Tên mình ai gọi sau vòm lá /Lối cũ em về nay đã thu...”.
Tôi không am hiểu gì về tranh nghệ thuật nhưng khi đọc tiểu thuyết của Sê-khốp miêu tả danh họa Nga nổi tiếng Lê-vi-tan ở thế kỷ 19 khi ông vẽ bức tranh "Mùa thu vàng" và được xem phiên bản bức tranh này tôi thật sự xúc động và chợt nghĩ nỗi buồn của những nghệ sĩ lớn thường gặp nhau. Với họ, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người đã bồi đắp, nuôi dưỡng trái tim nhân hậu của họ, để những tác phẩm của họ mãi mãi thuộc về nhân loại...
Mùa thu còn đồng nghĩa với mùa khai trường, mùa mà hàng triệu học sinh các cấp tưng bừng bước vào năm học mới với kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp.Trong nắng thu nhìn bầy em nhỏ tung tăng đến lớp, tiếng ríu ran học bài dù ở thành phố hay ở nông thôn, ai ai cũng phấn khởi và mong đợi sự tiến bộ của các em. Đẹp hơn nữa là ảnh các em học sinh miền núi đi học trong nắng thu bằng chân đất trên những con đường núi cao gập ghềnh hoặc phải lội suối hàng giờ để đến lớp. Trong những lớp học tuyềnh toàng bằng tre nứa ở miền Tây Bắc hoặc những lớp học được lợp bằng dừa nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vẫn vang lên tiếng đọc bài ríu ran và những đôi mắt đen láy hướng về cô giáo...
Mùa thu sẽ không thể thiếu những mâm cỗ trung thu của các gia đình dù nông thôn hay thành thị. Đêm hội trăng rằm là ngày hội của tuổi thơ với trái bưởi vàng, trái chuối trứng cuốc, quả hồng chín mọng. Nhưng dưới ánh trăng trong suốt như pha lê ấy, bên cạnh những mâm cỗ bày biện khéo léo, những bài hát cất lên từ những cô bé, cậu bé xinh xắn rất hạnh phúc kia thì còn biết bao đứa trẻ chân trần, tóc cháy nắng phải lang thang nơi gầm cầu, góc phố kiếm sống hoặc những đứa trẻ tật nguyền, gia đình nghèo không dám nghĩ đến trung thu?
Nguyễn Viết Hiện