Mười dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử FBI (tiếp theo)

5. Ngày 26/6/1939 - Sẵn sàng cho tình huống chiến tranh


Hơn hai năm trước khi bom được thả xuống Trân Châu Cảng, FBI đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ đất nước trong thời chiến. Điều này bắt đầu khi Tổng thống Franklin Roosevelt ký một sắc lệnh vào tháng 6/1939 giao cho FBI chịu trách nhiệm chính về an ninh nội địa, trong đó có hoạt động tình báo, phá hoại ngầm và lật đổ.

Một đặc vụ FBI ở Brazil đang nghiên cứu tài liệu.


Tháng 6/1940, FBI cũng được giao nhiệm vụ tập hợp thông tin tình báo nước ngoài ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. “Đơn vị tình báo đặc biệt - Special Intelligence Service (SIS)” - của FBI được thành lập sau đó. Đây là một kế hoạch ít được biết đến, thậm chí cho đến bây giờ. SIS đã tạo dựng được một kho thông tin tình báo và phát hiện được 887 điệp viên.


Mặc dù sau này bị giải thể với sự ra đời của CIA, nhưng SIS đã đóng vai trò nền tảng cho sự ra đời của mạng lưới các văn phòng trên khắp thế giới của FBI. Ngày nay, những văn phòng này đóng góp một phần hết sức quan trọng đối với nhiệm vụ của FBI chống khủng bố và tội phạm. Nhìn chung, công tác của FBI trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã đảm bảo rằng không một hành động đơn phương nào trong số các hoạt động phá hoại của đối phương được thực hiện trên đất Mỹ.


6. Ngày 1/9/1947 - Phản gián


Mặc dù tình báo không phải là chức năng chính của FBI và tổ chức này cũng không hề có sự hợp tác chính thức nào với quân đội trong lĩnh vực này, tuy nhiên, vào tháng 9/1947, hai lực lượng này đã bắt tay với nhau khi đặc vụ Wesley Reynolds biết được thông tin về một chương trình giải mã tuyệt mật của quân đội sau khi họ thu thập được các tin tức tình báo của Liên Xô.

Hoạt động gián điệp của Julius Rosenberg, Ethel Rosenberg và Morton Sobell (ngoài cùng bên trái) bị FBI phát hiện.


Mùa xuân năm 1948, đặc vụ Robert Lamphere bắt đầu quan tâm tới những tin tức tình báo này. Ông đã kết hợp với một nhân viên giải mã cực giỏi thuộc lực lượng quân đội, Meredith Gardner để tìm hiểu những thông tin ngày càng nhiều mà FBI có được về hoạt động tình báo Xô viết. Hai người đã làm rõ nội dung những bức điện tín của Xô viết được gửi từ Mỹ và các quốc gia phương Tây khác trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai. Chẳng bao lâu sau, họ đã lần ra dấu vết của những điệp viên Xô viết như Judith Coplon, Klaus Fuchs, Julius Rosenberg và nhiều điệp viên khác.


Công việc của họ và những người kế nhiệm - một dự án đến nay mới được biết đến với tên gọi Venona - đã giúp FBI và các đối tác của cơ quan này phát hiện hơn 100 đặc vụ Xô viết, ngăn ngừa nội gián tiếp cận bí mật quan trọng của Mỹ và chủ động các biện pháp chống lại tình báo Xô viết trong những năm 1950 và sau đó. Dự án Venona bị tiết lộ năm 1995.


7. Ngày 21/6/1964 - Vụ cháy ở Mississippi


Đầu những năm 1960, phong trào đấu tranh vì dân quyền có những bước phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, tuy nhiên những phản ứng quyết liệt từ tổ chức Ku Klux Klan (KKK) và các tổ chức khác ngày càng tăng.

Chiếc xe ô tô trong vụ án MIBURN bị đốt cháy rụi.


Khi ba thanh niên là James Chaney, Andrew Goodman và Michael Schwerner - những tình nguyện viên hỗ trợ đăng ký danh sách cử tri cho người Mỹ gốc Phi ở Mississippi - đột nhiên biến mất vào ngày 21/6/1964, Tổng thống Johnson đã yêu cầu FBI điều tra và cơ quan này đã vào cuộc với tinh thần rất cao.


Trong một thời gian ngắn, FBI đã tìm thấy chiếc xe bị đốt cháy rụi của ba chàng trai trẻ (vì lí do này mà vụ án nổi tiếng có tên “MIBURN”, viết tắt từ cụm từ Mississippi Burning (Vụ cháy ở Mississippi), đồng thời tìm ra vị trí các thi thể và tập hợp những bằng chứng quan trọng làm cơ sở đưa ra các bản cáo trạng.


Mặc dù phải mất một thời gian dài (hàng thập kỷ) mới giành được công lý tại phòng xử án, nhưng sự phẫn nộ của cả nước qua vụ án này đã giúp thúc đẩy thông qua Đạo luật về quyền bầu cử năm 1965. Cùng với Đạo luật Dân quyền năm 1964, những văn bản luật này lần đầu tiên đã cho phép FBI với khả năng của mình bảo vệ quyền lợi và sự tự do của tất cả người dân Mỹ. FBI đã sử dụng những bộ luật này hết sức hiệu quả kể từ đó đến nay.


(còn tiếp)


Nguyễn Bình

Mười dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử FBI
Mười dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử FBI

Hơn một thế kỷ qua, Cục điều tra Liên bang (FBI) đã tham gia vào hầu hết mọi sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, giải quyết nhiều vụ án nổi tiếng và có vô số những cải tổ. Theo trình tự thời gian, FBI đã chọn ra 10 sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của tổ chức này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN