Việt Nam có gần 40 ngân hàng, nhưng các ngân hàng thực sự cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính phương thức sản xuất nông nghiệp chưa bền vững đã khiến các ngân hàng e ngại về rủi ro khi cho vay trong lĩnh vực này.
Sợ rủi ro
Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra thì giá gia cầm, gia súc lại rớt thê thảm. Khi nông dân được mùa thì giá nông sản cũng lao dốc “không phanh”. Điệp khúc này xảy ra thường xuyên khiến người nông dân luôn rơi vào cảnh “ăn đong” từng vụ, còn các ngân hàng ngán ngẩm, không dám đẩy mạnh cho nông dân vay.
Cơ sở sản xuất gỗ bóc Thịnh Hằng ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn cho vay "Tam nông". Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Anh Tuấn Văn, chủ trang trại, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: “Ngân hàng nói với chúng tôi rằng, họ rất ‘ngán’ khi cho nông dân vay vì rủi ro cao, nhiều gia đình lại không có tài sản, đất đai thế chấp. Khi xảy ra dịch bệnh, mất mùa thì ngân hàng không biết phải giải quyết như thế nào”.
Trên thực tế, các hộ nông dân chủ yếu vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Vừa qua, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) là bao nhiêu? đối với khoản vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 (vay dưới 50 triệu), còn từ trung hạn và dài hạn vẫn là 11% trở lên (với những khoản vay mà Agribank phối hợp với các đoàn thể).
“Qua nắm bắt nhu cầu từ cơ sở, chúng tôi nhận thấy đa phần nông dân đều muốn vay trung hạn và dài hạn. Mặc dù chu kỳ sản xuất với mỗi sản phẩm nông nghiệp thường là 6 tháng nhưng nếu vay trong 1 năm thì hiệu quả sản xuất khó bền vững”, bà Phạm Thị Thu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết.
“Từ nguồn vốn do Trung ương Hội Nông dân quản lý, hội viên được vay với lãi suất 8,4%/năm. Nông dân muốn vay, phải viết dự án, với món vay cũng không nhiều (20 - 25 triệu đồng/hộ) thời hạn dưới 12 tháng. Thế nên nông dân cũng không thiết tha. Nếu mức lãi suất đó được áp dụng cho vay trung, dài hạn thì sẽ kích thích nông dân vay vốn mạnh hơn để đầu tư cho sản xuất”, bà Bình cho biết thêm.
Như vậy, có thể thấy rằng, người nông dân chỉ vay được số vốn ít ỏi so với nhu cầu thực tế mà chủ yếu là vốn ngắn hạn. Nông dân nghèo hầu như không thể tiếp cận được vốn vay vì không có tài sản thế chấp. “Nói thật, có nhiều hộ nông dân có nhu cầu vốn nhưng chưa được giải quyết. Lý do đơn giản, chúng tôi là một ngân hàng thương mại, phải đi vay để cho vay và phải chịu trách nhiệm về cả đồng vốn đi vay và cho vay. Do đó, người dân thiếu vốn phải có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chứng minh được khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn, và phải thể hiện bằng văn bản giấy tờ, có cam kết, ông Trịnh Ngọc Khánh - Tổng Giám đốc Agribank giải thích.
Bên cạnh đó, ông Khánh cũng thừa nhận, quy định, quy trình vay vốn hiện còn quá chặt chẽ, khiến người dân ngại dù có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất.
“Chúng tôi cần có sự hỗ trợ đặc biệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự phối kết hợp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh. Chúng tôi cũng xác định, việc cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đổi mới phong cách giao dịch là yêu cầu cấp bách”, ông Khánh cho biết.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chế biến nông sản dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn so với hộ nông dân bởi họ có tài sản, có sổ đỏ, tài khoản ngân hàng, thường xuyên giao dịch với ngân hàng. Trong khi đó, nhiều chủ trang trại nhưng chưa có sổ đỏ nên không vay vốn được nhanh như các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết.
Bên cạnh đó, ở khu vực nông thôn, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp gần như mới trong giai đoạn thử nghiệm. “Vì chưa có các sản phẩm bảo hiểm đi kèm nên nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh... thì khả năng trả nợ ngân hàng của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và cầm chừng để tránh rủi ro”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết.
Đề xuất sản phẩm cho vay trọn gói
Theo các ngân hàng, không phải họ không muốn cho nông dân vay vốn. “Chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho nông dân. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố trên nhiều diễn đàn là vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn không thiếu và thực tế đúng là như vậy”, ông Trịnh Ngọc Khánh - Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Tuy nhiên, “chúng tôi mong muốn Nhà nước có quy hoạch thật đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nói đơn giản là các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu phải khép kín. Nếu làm được tốt như vậy, sản xuất nông nghiệp mới phát triển, ngân hàng mới có cơ hội phục vụ nông dân”, ông Trịnh Ngọc Khánh kiến nghị.
Trước mắt, để giải bài toán tín dụng cho nông dân, Agribank sẽ nghiên cứu đưa ra sản phẩm cho vay trọn gói với người nông dân, tức là cấp cho nông dân một hạn mức vay. Người dân có thể vay chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, kể cả là vay để phục vụ việc học hành của con em mình… Đây là một cách để phục vụ tốt hơn, đơn giản hóa thủ tục của người dân. Trong thời gian tới, Agribank sẽ chủ động cân đối thêm vốn cho những ngành, vùng miền có sản xuất hàng hóa xuất khẩu, những nơi gặp khó khăn về vốn do bão, lụt, dịch bệnh gây ra.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Tín dụng (NHNN), để có chính sách tín dụng nông nghiệp hiệu quả, phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể; có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra.
Để gỡ khó cho người dân trong việc vay vốn tín dụng, Báo Tin Tức đã gửi Công văn số 62/TT ngày 1/4/2014 về vấn đề gỡ khó tín dụng cho nông nghiệp. Trả lời vấn đề này, đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tới nay, Bộ vẫn đang cùng với NHNN tiến hành khảo sát thực tế. Do vậy, chưa thể đưa ra thông tin để trả lời bạn đọc về vấn đề gỡ khó tín dụng cho nông nghiệp. Do vậy, chưa thể phúc đáp công văn. |
Nhóm PV