Đưa vốn đến với nông dân

Lâu nay, người nông dân thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Không chỉ là thủ tục phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ mà quy định vay vốn còn yêu cầu người nông dân có tài sản thế chấp, trong khi thực tế, có rất ít hộ đáp ứng được yêu cầu này. Nếu được vay, người nông dân cũng gần như không có cơ hội “đổi đời” vì hạn mức cho vay thấp, chỉ 50 triệu đồng/hộ.

 

Bài 1: Nông dân khó vay vốn

 


Mở rộng phát triển chăn nuôi là hướng đi giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, để vay vốn ngân hàng đầu tư cho chăn nuôi vẫn là bài toán khó với họ.


Trở ngại


Thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những diện tích đất nông nghiệp bị hoang hóa, trũng, thấp, năm 2005, anh Văn Trường, tại thôn Mạc Động, xã Tân Dân (Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đấu thầu đất và được sử dụng 4 mẫu đất trong 20 năm để làm trang trại nuôi lợn, gia cầm và cá. Tuy nhiên, với số vốn ít ỏi tự có, anh gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô trang trại.


 

Gia đình anh Lộc, chị Thúy ở xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là một trong nhiều hộ dân thiếu vốn để phát triển trang trại. Ảnh: Hữu Vinh

“Muốn đầu tư nuôi 100 con lợn thịt thì phải mất 100 triệu đồng tiền giống, cộng với số tiền xây dựng chuồng trại, mua sắm các thiết bị khác, tổng chi phí tôi phải bỏ ra 400 triệu đồng”, anh Trường cho biết.


Như vậy, ngoài với số vốn vay từ anh em, họ hàng được khoảng 200 triệu đồng, anh phải vay ngân hàng thêm khoảng 200 triệu đồng để mở trang trại. Tuy nhiên, anh Trường không có tài sản thế chấp nên phải nhờ bố mẹ đứng ra vay hộ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tiền được vay chỉ là 50 triệu đồng. Còn ngân hàng chính sách chỉ cho anh vay 10 triệu đồng. Do vậy, anh chỉ có thể chăn nuôi ở quy mô nhỏ.


Chưa hết, đến cuối năm 2013, khi mô hình trang trại còn chưa hoàn chỉnh thì đàn lợn của anh bị mắc chứng bệnh lạ liên quan tới đường hô hấp. Lợn càng được nuôi, càng sút cân, anh cố nuôi thêm 4 tháng vẫn không khỏi. Bên cạnh đó, giá gia cầm, trứng giảm mạnh khiến nguồn thu của anh giảm đáng kể. Tổng số tiền thiệt hại trong năm qua lên tới gần 300 triệu đồng.


Anh Trường cho biết: “Để khôi phục sản xuất, tôi cần ít nhất 200 triệu đồng. Muốn vay được số tiền này từ ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp mà hiện giờ tôi không thể đáp ứng được điều kiện này”.


Tương tự như anh Trường, nhiều hộ chăn nuôi xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội), cũng đang gặp nhiều khó khăn khi vay vốn ngân hàng để tái đàn gia súc, gia cầm.


Anh Tuấn Văn, chủ trang trại tại xã Sài Sơn cho biết: “Tôi và một số chủ trang trại khác muốn vay vốn thì phải thông qua hội nông dân tín chấp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cho vay 50 triệu đồng. Tuy gọi là vay tín chấp nhưng để vay được, chúng tôi phải giao sổ đỏ đất, nhà cho ngân hàng giữ, chẳng khác nào thế chấp tài sản”.


Chuyện “khát” vốn tại HTX nông nghiệp Đống Long, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng tương tự như trên. Hiện HTX có 147 hộ làm kinh tế trang trại với diện tích 70 ha. Trong thời gian qua, dịch cúm gia cầm đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm trong HTX. Vì vậy, đa số các hộ đều muốn vay vốn để tái phát triển sản xuất nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn do thủ tục rườm rà.


Anh Hoàng Thế Lộc - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đống Long cho biết, các thành viên trong HTX đều không vay được vốn theo hình thức tín chấp. Ngân hàng yêu cầu người vay phải có tài sản thế chấp là đất, nhà và phải có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình từ 18 tuổi trở lên. Nhưng thực tế, tại một số gia đình nhiều thành viên đã đi thoát ly, làm việc tận trong miền Nam, biên giới hải đảo... rất khó để lấy chữ ký. Do vậy, nhiều gia đình không vay được vốn. Lượng vốn cho vay cũng rất thấp, chỉ 50 - 100 triệu đồng/hộ. Trong khi, mỗi hộ có nhu cầu vay từ 100 - 300 triệu đồng/năm.


“Thủ tục vay vốn cũng khá rườm rà. Người dân phải lên tận Trung tâm công chứng Trần Gia của huyện Ứng Hòa để công chứng, với mức phí 800.000 đồng/hồ sơ nếu vay 300 triệu đồng. Nhiều gia đình “khát” vốn, đành vay “nóng” bên ngoài với lãi suất “cắt cổ” lên tới 2%/tháng”, ông Lộc cho biết.


Kiến nghị giảm thủ tục, tăng mức cho vay


Theo phản ánh của các hộ dân, với những hộ thuần nông mức vay 50 triệu đồng/năm là hợp lý. Tuy nhiên, với những hộ mở trang trại thì số tiền này không đủ.


Anh Tuấn Văn, xã Sài Sơn cho biết, mức vay hiện nay là quá thấp đối với nhu cầu của người nông dân. Vì nếu muốn nuôi gà, thì riêng tiền xây dựng chuồng trại đã mất hàng trăm triệu đồng, còn nuôi khoảng 50 con lợn thì mất 200 - 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, thời gian cho vay ngắn 6 - 12 tháng, trong khi chu kỳ sản xuất lại khá dài. Ví dụ nuôi lợn nái ngoại phải mất từ 15 tháng. Đó là chưa kể đến những yếu tố rủi ro về dịch bệnh, giá cả. Do vậy, cần tăng mức cho vay đối với người nông dân.


“Không phải nông dân nào cũng có nhà đất rộng để thế chấp. Do vậy, ngân hàng cần tạo điều kiện tối đa cho họ vay vốn, như vậy mới có hy vọng tăng thu nhập cho người dân”, anh Tuấn Văn chia sẻ.


Để giảm bớt thủ tục cho người dân, anh Hoàng Thế Lộc kiến nghị: “Với những gia đình có con em đi nghĩa vụ quân sự, công tác xa thì nên miễn lấy chữ ký của những người này; đồng thời chuyển công chứng từ cấp huyện về cấp xã để bà con tiện làm thủ tục”.


Hữu Vinh - Mạnh Minh

 

Bài cuối: Muốn ngân hàng hết e ngại

Muốn ngân hàng hết e ngại
Muốn ngân hàng hết e ngại

Việt Nam có gần 40 ngân hàng, nhưng các ngân hàng thực sự cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính phương thức sản xuất nông nghiệp chưa bền vững đã khiến các ngân hàng e ngại về rủi ro khi cho vay trong lĩnh vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN