Mượt mà câu dân ca Sán Chí

Dân ca Sán Chí - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là một loại hình văn hoá dân gian truyền thống đã có từ lâu đời, là một hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, hấp dẫn của đồng bào Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Anh có tâm em cũng có ý


Chẳng sợ sông sâu với núi cao


Núi cao đã có người dẫn lối


Sông sâu đã có người đưa đò…


Những câu hát mượt mà của các nghệ nhân trong câu lạc bộ (CLB) dân ca Sán Chí xã Kiên Lao đã để lại ấn tượng khó quên cho những ai đã từng được nghe.

Các thành viên của câu lạc bộ dân ca Sán Chí xã Kiên Lao biểu diễn.


Ông Lâm Minh Sập, dân tộc Sán Chí, chủ nhiệm CLB dân ca Sán Chí xã Kiên Lao cho biết: “Dân ca Sán Chí có từ bao giờ không ai biết rõ, chỉ biết rằng người Sán Chí ở xã Kiên Lao từ đời này sang đời kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã biết hát, biết truyền dạy cho nhau học hát những làn điệu này. Từ người già, người trẻ, ai ai cũng học hát, cứ như vậy mà dân ca của người Sán Chí được lưu truyền cho đến ngày nay”.

 

“Một người không thể gánh được hòn đá tảng, mọi người phải góp sức vào thì dân ca Sán Chí mới được gìn giữ, bảo tồn”.

Nghệ nhân
Lâm Minh Sập


Nghệ nhân Trần Thị Hiển, khoe: “Tôi biết hát dân ca từ khi 15 tuổi, đến nay đã mấy chục năm rồi, càng hát càng thấy mê. Hồi trẻ thì hát tìm bạn tình, nhiều thanh niên trong làng chỉ vì mê giọng hát mà thành vợ thành chồng đấy… Bây giờ có tuổi rồi, nhưng vẫn mê hát lắm, mỗi khi có lễ hội, họp mặt các thành viên CLB chúng tôi lại ngồi hát với nhau”.

 


Nghệ nhân Ninh Thị Phán, kể: “Từ khi mới 12-13 tuổi, trong những ngày hội, ngày nông nhàn hay đêm trăng sáng, mình thấy các anh chị, các cô chú, các bác trong làng, bản thường đi hát giao duyên, mình đi nghe và học theo, lâu dần biết hát, rồi mê lắm, vì đó là câu hát của dân tộc mình”. Theo nghệ nhân Ninh Thị Phán, trong làng hiện nay còn có nhiều người biết hát và hát rất hay, nhưng chủ yếu là những người trên 40 tuổi, còn lớp trẻ nhiều cháu không biết hát, một số cháu biết hát nhưng hát chưa hay.


Ông Lâm Minh Sập cho biết, mỗi bài hát dân ca Sán Chí ở tất cả các thể loại đều viết theo thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, lối hát chủ yếu là đối đáp nam nữ chào hỏi, đố nhau, chúc tụng... Hiện nay, đồng bào Sán Chí còn lưu giữ được hàng nghìn bài hát dân ca, thuộc các thể loại khác nhau: Hát ban ngày (chục cô ộ) là khi hai bên gặp nhau bên đường, bên suối, bên nương... là thể loại hát ứng khẩu giữa nam và nữ nên lời ca mộc mạc, gần gũi. Hát ban đêm (chắng cô ộ) là hát ở trong nhà, hoặc trải chiếu ngoài sân hát vào buổi tối, thường hát theo lối hát ru, ngân dài hơn; là thể loại hát đối đáp giữa khách và chủ nên ca từ thường nhẹ nhàng, lịch sự, khoan thai, ý nhị, thường mượn cảnh thiên nhiên như núi mây, trăng hoa, sông nước, cây cỏ vào lời hát. Hát đám cưới (Chắu cô ộ), còn gọi là tửu ca, chỉ được hát trong đám cưới, ca từ rộn ràng, vui vẻ, thường là chúc phúc cho cô dâu chú rể, mời mọc, chúc tụng rượu trong đám cưới. Hát đổi danh (Zoóng hồ cô ộ), loại hát này chỉ có con trai được hát trong lễ đổi danh (theo phong tục của đồng bào Sán Chí, con trai đến năm 18 tuổi phải làm lễ đổi danh - đổi tên), cuộc hát được diễn ra ở sân và trong nhà, lời bài ca chủ yếu là chúc tụng cho người được đổi danh…


Hiện nay, ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, dân ca Sán Chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân. Tuy nhiên, nếu như trước đây, đồng bào Sán Chí có thể hát dân ca mọi lúc mọi nơi, thì ngày nay, mọi người thường chỉ hát trong những dịp lễ hội, trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ hát dân ca, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay nhiều cháu không thích học hát nữa.


Tâm sự với chúng tôi, ông Lâm Minh Sập không khỏi lo lắng về tình trạng này. Theo ông Sập, để câu hát dân ca không bị mai một, rất cần sự đầu tư giáo dục thế hệ trẻ biết yêu những điệu dân ca quê mình. Muốn làm được điều này, Đảng ủy, chính quyền từ xã đến thôn, bản phải quan tâm, động viên tuyên truyền để bà con tham gia.

Bài và ảnh:Phương Hà

Xuân về với đồng bào dân tộc Sán Chí
Xuân về với đồng bào dân tộc Sán Chí

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, chúng tôi đến với xóm miền núi Ao Cống (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Xóm duy nhất trong tỉnh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2005 - 2010.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN