Nâng cao chất lượng dân số vùng cao

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và là nơi cư trú của hơn 30 dân tộc, việc nâng cao chất lượng dân số được xác định là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái.

Tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời không còn phù hợp để đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Tại Yên Bái hiện nay, số cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình luôn tăng hàng năm. Quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi tại các huyện vùng cao vốn có quan niệm sinh nhiều con. Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Các vấn đề về chất lượng dân số cả thể chất lẫn tinh thần đang từng bước được cải thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh này.

Mục tiêu cơ bản trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của Yên Bái đến năm 2020 sẽ tập trung duy trì mức sinh hợp lý ở vùng thấp, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Để đạt mục tiêu, Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tranh thủ, phát huy nguồn lực của Đề án về một số chính sách hỗ trợ công tác dân số kế hoạch hóa gia đình tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đồng thời, khích lệ, động viên, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thôn bản tuyên truyền, triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ công tác dân số ở cơ sở...

Các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được triển khai lồng ghép thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc họp tại xã, thôn, bản đến các đối tượng là người sắp kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt chú trọng đến đối tượng cặp vợ chồng đã có một hoặc hai con gái.

Ông Lương Kim Đức, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Yên Bái cho biết, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vốn trước kia khá phổ biến trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Chất lượng dân số được nâng cao đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội phát triển là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc thay đổi nhận thức của người dân trong công tác nâng cao chất lượng dân số.

Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Cuộc vận động Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3, nhằm tạo bước ngoặt trong thực hiện công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt Cuộc vận động này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập Ban vận động và triển khai phân công nhiệm vụ; chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thành lập ban vận động để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của Yên Bái. Đây cũng là huyện có trên 90% dân số là đồng bào Mông, trình độ dân trí và nhận thức về công tác dân số còn nhiều hạn chế.

Người Mông quan niệm rằng, dù là anh em ruột nhưng con gái đi lấy chồng, mang họ khác sẽ là người của dòng họ khác. Do vậy, các con của họ có thể lấy người cùng họ hàng không phải phân chia tài sản. Mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng những năm qua, nhiều cặp vợ chồng kết hôn khi tuổi đời còn rất trẻ và kết hôn cận huyết thống.

Để thay đổi nhận thức của đồng bào, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với các trường học tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tuyên truyền cho học sinh hiểu về những ảnh hưởng khi anh, chị em trong gia đình lấy nhau; những hệ lụy từ hôn nhân nhân cận huyết thống và tảo hôn. Cùng với đó, là sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng tới từng hộ dân đã giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác nâng cao chất lượng dân số, Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại 72 xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương trong tỉnh nâng cao hơn nữa sự phối hợp, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu. Từ đó, tạo bước ngoặt nâng cao chất lượng dân số, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả, nhanh bền vững.

Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Nam Định nâng cao chất lượng dân số
Nam Định nâng cao chất lượng dân số

Hướng tới hạn chế mức tăng dân số tự nhiên, từng bước ổn định quy mô dân số, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều chương trình, đề án cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dân số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN