Nâng tầm cho bệnh viện khu vực

Từ một bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã được nâng cấp và trở thành bệnh viện của khu vực từ đề án phát triển bệnh viện vệ tinh của ngành y tế. Bước đầu, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã nâng chất lượng điều trị, giảm lượng bệnh nhân lên tuyến trên.


Đáp ứng công tác điều trị

Là bệnh viện chuyên khoa ung bướu hạng 2 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bệnh viện Ung bướu Cần Thơ không chỉ tiếp nhận khám cho người bệnh ở Cần Thơ mà còn điều trị cho bệnh nhân ở các tỉnh trong khu vực. Để “nâng tầm” công tác điều trị, từ tháng 12/2013, UBND TP.Cần Thơ đã có quyết định phê duyệt dự án bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Nhờ vậy đến nay, hoạt động khám và điều trị cho bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực với nhiều kỹ thuật điều trị mới như: Ung thư phụ khoa, ung thư đường tiêu hóa, ung thư sinh dục nam, kỹ thuật xạ trị các bệnh lý ngoài bệnh ung thư…

Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 32 lát cắt được trang bị tại Bệnh viện ung bướu Cần Thơ sau khi triển khai đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế.


Theo lãnh đạo bệnh viện, trước khi tham gia vào đề án, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ chỉ có 2 máy siêu âm, còn lại mỗi loại 1 máy: X quang, máy nhũ ảnh, máy nội soi tiêu hóa, máy thở, máy cắt đốt, máy xạ trị Cobalt và mô phỏng 2D. Sau khi được triển khai đề án, bệnh viện đã được nâng cấp, trang bị thêm hàng loạt trang thiết bị tiên tiến như: Bàn mổ đa năng điều khiển bằng thủy lực, máy sốc tim có màn hình theo dõi, bộ tạo nhịp và máy in, bàn mổ chỉnh hình, bộ phẫu thuật thanh quản, bộ đại phẫu, máy nội soi dạ dày, đại trực tràng… Đặc biệt bệnh viện còn trang bị hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 32 lát cắt và máy xạ trị áp sát nạp nguồn sau suất liều cao, máy xử lý mô tự động… mà hiện chưa có cơ sở y tế nào điều trị bệnh ung bướu ở vùng ĐBSCL có những thiết bị này.

Theo bác sĩ CKII Lê Quốc Chánh, Giám đốc bệnh viện, tổng giường bệnh theo kế hoạch đến năm 2013 là 150 giường, nhưng thực tế hiện nay bệnh viện đã có 250 giường phục vụ bệnh nhân. Bên cạnh đó, nguồn cán bộ y, bác sĩ đã tăng lên 272 người. Trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ ở bệnh viện được nâng cao do được tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân là bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh hỗ trợ. Do vậy, hiện bệnh viện có thể thực hiện hầu hết các phẫu thuật về ung bướu, xạ trị, hóa trị, nội tiết điều trị trúng đích và chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin theo đề án bệnh viện vệ tinh gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm tin học ứng dụng trong quản lý bệnh viện, đồng thời triển khai xây dựng dự án Telemedicine. Với cách làm này, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã được hỗ trợ tốt trong công tác hội chẩn, tư vấn chuyên môn, đào tạo với bệnh viện hạt nhân và các bệnh viện vệ tinh khác.

Cũng theo bác sĩ CKII Lê Quốc Chánh, bệnh viện đã rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, không chỉ giúp đội ngũ y, bác sĩ ở các khoa, phòng giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác mà còn góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người bệnh ngày một tăng lên. “Không chỉ từ cảm nhận của tôi, mà nhiều bệnh nhân khác cũng rất hài lòng với chất lượng phục vụ của bệnh viện. Những khó khăn của người bệnh cũng giảm bớt vì không phải chuyển viện lên TP Hồ Chí Minh”, bà Trần Thị Bê, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, chia sẻ.

Từ sự tập trung đầu tư nói trên, trong các năm qua, lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện đều tăng cao, trong khi số lượt bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên đã giảm theo từng năm.

Nếu như năm 2013 bệnh viện có 269/12.558 ca điều trị chuyển tuyến, thì đến năm 2014 chỉ có 1/14.398 ca điều trị chuyển tuyến.

Tháo gỡ những khó khăn

Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên hiện nay bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cũng còn một số khó khăn, cần được nhanh chóng tháo gỡ. Bác sĩ CKII Lê Quốc Chánh cho biết: dù Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị mới cho bệnh viện nhưng bệnh viện vẫn đang phải chờ kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ các kỹ thuật mới, nên chưa thể áp dụng hết những kỹ thuật mới trong điều trị.

Theo báo cáo của bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, tình hình cấp kinh phí đối ứng thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, mặc dù đã có quyết định phê duyệt vốn đối ứng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí nào theo kế hoạch phân bổ từ năm 2013 cho đến nay. “Để triển khai đề án đúng tiến độ, bệnh viện rất mong được sự hỗ trợ của Bộ Y tế về nguồn kinh phí, sự giúp đỡ của Sở, ngành thành phố”, bác sĩ CKII Lê Quốc Chánh kiến nghị.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp, sau mổ cần tiếp tục điều trị bằng iot phóng xạ nên phải làm thủ tục chuyển viện đến TP Hồ Chí Minh vì bệnh viện Ung bướu Cần Thơ chưa triển khai y học hạt nhân. Do vậy, trong những tháng cuối năm 2015, bệnh viện ung bướu Cần Thơ ngoài kế hoạch yêu cầu bệnh viện hạt nhân chuyển giao một số danh mục kỹ thuật như: Kỹ thuật giải phẫu bệnh lý và hóa mô miễn dịch; chuẩn đoán hình ảnh; gói kỹ thuật điều trị phẫu thuật ung thư phổi - lồng ngực và các danh mục đào tạo như: Gói đào tạo về hóa trị các bệnh lý ung thư… thì nhu cầu tiếp cận gói đào tạo chuẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân; gói đào tạo về vật lý phóng xạ cần được hỗ trợ vì dự kiến bệnh viện sẽ thành lập Khoa y học hạt nhân vào cuối năm nay.

Anh Đức
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Để ngành y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về nhân, vật lực đồng thời phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN