Theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 26/6 đã nhóm họp khẩn cấp tại Brúcxen (Bỉ) dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen để thảo luận về vụ lực lượng phòng không Syria (Xyri) bắn rơi một máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận nước này hôm 22/6.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Rasmussen cho biết tất cả các nước đồng minh đã thông qua một tuyên bố về quan điểm chung của NATO lên án việc Syria bắn rơi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, cho đây là hành động "không thể chấp nhận được", đồng thời bày tỏ "ủng hộ mạnh mẽ và đoàn kết" với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng Thư ký NATO Rasmussen phát biểu trước báo giới tại Brúcxen ngày 26/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tuy nhiên, ông Rasmussen nhận định rằng tình hình sẽ không tiếp tục leo thang, và cho biết trong cuộc họp nói trên NATO đã không thảo luận về Điều 5 trong hiệp ước của liên minh, theo đó cho phép NATO ra tay cứu giúp một trong các thành viên của mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO xem xét vụ việc này chiểu theo Điều 4 trong hiệp ước của NATO, cho phép một nước thành viên triệu tập họp khẩn cấp nếu thấy chủ quyền lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của mình bị đe dọa. Việc nước này không kêu gọi trợ giúp bằng quân sự theo Điều 5 trong hiệp ước của NATO cho thấy Ancara cũng hy vọng tránh bùng phát xung đột với Xyri.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc quốc gia láng giềng Syria đã có "hành động thù địch" và "tấn công tàn bạo" trong vụ bắn rơi máy bay “trong không phận quốc tế” mà không phát tín hiệu cảnh báo trước.
Tuy nhiên, phía Syria tuyên bố rằng hệ thống phòng không của họ đã “hành động” khi thấy vật thể lạ xâm nhập vào lãnh thổ của mình. Chỉ đến khi chiếc máy bay bị cháy họ mới nhận ra rằng đó là máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là hành động bảo vệ chủ quyền chứ không phải là hành động tấn công hay thù địch.
Đánh giá về vụ việc trên, ông Salman Shaik, Giám đốc Trung tâm Brookings tại thủ đô Đôha (Cata), cho rằng mặc dù một cuộc can thiệp quân sự vào Syria ngay lúc này có thể chưa xảy ra, nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ - lần đầu tiên kể từ khi cuộc nổi dậy bùng nổ tại Syria - đề nghị đưa cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này vào chương trình nghị sự của NATO là một diễn biến đáng chú ý.
Cùng ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố khẳng định việc Xyri bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ “không phải là một sự khiêu khích hoặc hành động có chủ ý”.
Trong khi đó, các nguồn tin quân sự từ vùng Vịnh ngày 26/6 cho biết các lực lượng chiến dịch đặc biệt của Anh đã vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria và tiến sâu 10 km bên trong lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Nếu nguồn tin được xác nhận, động thái này được nhận định là nhằm thiết lập vùng an toàn đầu tiên dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp theo sẽ có thêm các cuộc xâm nhập quân sự của phương Tây nhằm thiết lập thêm nhiều vùng trú ẩn an toàn ở các khu vực khác của Syria . Tuy nhiên, hành động quân sự tiếp theo sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Syria, Nga và Iran với giai đoạn đầu của chiến dịch này.
H.H (tổng hợp)