Nga khẩn cấp tìm cách cứu đồng ruble

Nga có đủ dự trữ ngoại tệ và các công cụ thị trường để điều chỉnh tình hình kinh tế là tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại cuộc họp với các bộ khối kinh tế của Chính phủ, Ngân hàng trung ương Nga và lãnh đạo các công ty hàng đầu của Nga diễn ra ngày 17/12.

Người dân Nga đã đổ xô tới các cửa hàng điện tử ở Moskva mua sắm do lo ngại các mặt hàng này tăng giá.



Tuy nhiên, Thủ tướng Nga khẳng định không cần điều chỉnh mạnh thị trường ngoại tệ của Nga. Ông Medvedev cho rằng đồng ruble bị đánh giá quá thấp và không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Theo ông, hai nguyên nhân khiến tỉ giá đồng ruble sụt giảm là giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các thị trường tài chính trước kia đóng cửa đối với các ngân hàng và công ty Nga. Tuy nhiên, tình hình trên thị trường ngoại tệ hiện nay không phản ánh đúng thực tế mà chủ yếu do nhân tố chủ quan, do vậy cần nhanh chóng ổn định lại thị trường ngoại tệ.

Ông Medvedev cho biết ngày 16/12, Ngân hàng trung ương Nga cùng với Chính phủ đã soạn thảo một gói biện pháp để ổn định tình hình trên thị trường tài chính và sẽ cùng nhau hành động. Trong số các biện pháp này có tăng tái cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng, đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tệ thông qua cung cấp khả năng thanh toán ngoại tệ khi cần thiết.

Trong khi đó cùng ngày 17/12, phát ngôn viên Bộ Tài chính Nga Svetlana Nikitina cho biết bộ này sẽ bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble. Theo bà Svetlana Nikitina, Bộ Tài chính sẽ bán ngoại tệ cho đến khi nào không còn cần thiết. Bộ Tài chính hiện có khoảng 7 tỷ USD để nâng đỡ đồng ruble. Động thái can thiệp này xuất hiện sau khi Ngân hàng Trung ương Nga đã bỏ ra hơn 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble từ đầu tháng 12.

Ngân hàng Trung ương Nga đã nói rõ quan điểm không hạn chế hoạt động trên thị trường tiền tệ bất chấp tình hình khó khăn hiện nay. Thay vào đó, ngân hàng này sẽ tập trung kiềm chế lạm phát và duy trì ổn định tài chính chung. Ngân hàng này sáng sớm ngày 16/12 đã nâng lãi suất lên 17%, sau khi đã nâng lên 10,5% cách đó mới vài ngày. Đây là lần tăng mạnh nhất kể từ năm 1998. Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, nói: “Nâng lãi suất trước hết là để giảm lạm phát. Việc này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ nhưng có thể là không có tác dụng ngay… Đồng ruble đang bị định giá thấp và dần dần sẽ trở lại giá trị bình thường”.

Một số chuyên gia cho rằng động thái nâng lãi suất của chính phủ Nga là đúng đắn. Trong bối cảnh thị trường hối đoái đã trải qua biến động mạnh nhiều tuần qua, lãi suất tăng có thể giúp khôi phục ổn định.

Việc giá đồng ruble rơi tự do cho thấy đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin vào nền kinh tế Nga trong bối cảnh Nga phải đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Giáo sư kinh tế Nga Nikolai Petrov cho rằng điều quan trọng là không được để sự hoảng loạn lây lan trong mọi người.

Nhật Huy

Nga bán ngoại tệ dự trữ để hỗ trợ đồng ruble
Nga bán ngoại tệ dự trữ để hỗ trợ đồng ruble

Bộ Tài chính Nga ngày 17/12 thông báo bắt đầu bán ngoại tệ dự trữ của bộ này ra thị trường do cho rằng đồng ruble bị định giá quá thấp. Lượng ngoại tệ dự trữ của Bộ Tài chính còn 7 tỉ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN