Mặc dù quan hệ liên minh giữa Trung Quốc và Nga đang được tăng cường nhưng Moskva vẫn ngày càng quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Viễn Đông của nước này.
Người Trung Quốc làm việc ở vùng Viễn Đông (Nga). |
Trong thời gian gần đây Nga đã tiến hành rất nhiều cuộc tập trận chung với Trung Quốc. Mối quan hệ song phương được coi trọng còn thể hiện ở chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tới Moskva. Tuy nhiên, những biểu hiện trong quan hệ Nga - Trung dường như vẫn chỉ là những tính toán trong ngắn hạn của Nga, bởi trên thực tế Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn nhất cho vai trò của Nga ở Viễn Đông.
Một trong những vấn đề khiến Nga lo lắng nhất là hai bên có đường biên giới chung trải dài ở khu vực Viễn Đông. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, dân số khu vực này của Nga đã giảm khoảng 20% xuống còn 6,28 triệu người, trong khi dân số 3 khu vực ở Đông Bắc của Trung Quốc đã là 110 triệu người. Ngay khi lên nắm quyền vào năm 2010, Tổng thống Nga Putin đã nổi tiếng với cảnh báo rằng trừ khi xu hướng dài hạn bị đảo ngược, “người Nga ở khu vực biên giới sẽ nói tiếng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài thập kỷ”. 12 năm sau đó, Putin nhắc lại vấn đề Viễn Đông với ý nhấn mạnh hơn khi đề cập khu vực này là “nhiệm vụ địa chính trị quan trọng nhất” mà chính quyền Liên bang phải đối mặt.
Những thông tin từ Viễn Đông gần đây cho thấy sự thâm nhập của Trung Quốc về dân số và kinh tế vào khu vực ngày càng nhanh chóng. Vào giữa tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đề cập tới việc huy động tới 5 tỷ USD để tham gia thực hiện các kế hoạch phát triển Viễn Đông do Nga đề ra. Đây chỉ là một trong hàng loạt những động thái của Bắc Kinh mà Moskva phải “chấp nhận” vì Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi cởi mở để thu hút đầu tư Trung Quốc vào khu vực hồi tháng 5/2009. Kể từ đó, ông Medvedev đã “nhận được” những gì đòi hỏi: Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực Viễn Đông của Nga có tổng giá trị 3 tỷ USD vào năm 2011, trong khi đầu tư của Nga vào đây năm 2010 chỉ bằng 1/3 số này.
Nhắc đến vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Viễn Đông, một bài viết trên báo Nhật Bản sau đó được dịch sang tiếng Nga vào tháng 8 vừa qua với tiêu đề “Trung Quốc hóa Siberi” đã chỉ rõ vấn đề này. Bài báo phản ánh việc người Trung Quốc ở giáp biên giới với Nga tiếp tục vượt biên sang khu vực Viễn Đông để canh tác nông nghiệp, mặc dù có lệnh cấm về thuê và mua đất. Bài báo nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương lo ngại việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tới mức họ phải thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng các dự án nông nghiệp tại Viễn Đông để đối đầu với Trung Quốc.
Tại Khu vực Do Thái tự trị, một khu vực hành chính lập ra dưới thời Liên Xô, 40% đất canh tác hiện nay đang nằm dưới sự quản lý của lao động Trung Quốc. Theo như truyền thông Trung Quốc, 90% lượng rau xanh bán tại Viễn Đông năm 2012 là do lao động Trung Quốc trồng trọt. Ước tính lượng lao động di cư người Trung Quốc tại Viễn Đông khoảng nửa triệu người.
Sự thay đổi về cấu trúc dân số khiến lãnh đạo nước Nga khá lo lắng. Một số chính trị gia nước Nga nêu sáng kiến phát triển Viễn Đông bằng cách chuyển thủ đô nước Nga từ phía châu Âu sang châu Á. Sáng kiến này nghe có vẻ bất hợp lý khi phải di chuyển hàng trăm nghìn quan chức tới lục địa khác, nhưng nó cho thấy sự tuyệt vọng của Nga trước nguy cơ khu vực Viễn Đông sẽ dần tuột khỏi vòng kiểm soát nếu như không có những quan tâm sát sao.
Đức Trung (Theo The Diplomat)