Trong một tuyên bố ngày 26/11 liên quan đến vụ việc tại Ferguson và làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ "nên tập trung vào các vấn đề bảo vệ nhân quyền trong nước" hơn là đi thuyết giáo các nước khác. Đây là tuyên bố của thứ hai của Bộ Ngoại giao Nga liên quan đến vụ việc Ferguson, trong đó nêu rõ "sự bùng nổ làn sóng phẫn nộ quy mô lớn từ người dân và cách phản ứng không tương xứng của các cơ quan thực thi pháp luật một lần nữa cho thấy nền dân chủ Mỹ không vượt qua được sự chia rẽ sắc tộc, kỳ thị và bất bình đẳng". Trước đó, Mỹ thường xuyên chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Người dân Ferguson biểu tình phản đối phán quyết của tòa.Ảnh: AP |
Báo chí ở Nga ngày 26/11 cũng đưa tin đậm nét về tình trạng biểu tình hỗn loạn ở Ferguson sau khi bồi thẩm đoàn Missouri không truy tố viên cảnh sát da trắng Darren Wilson vì đã giết chết thanh niên da màu Michael Brown cách đây ba tháng. Các tin tức trên kênh Rossia - 24 và Vesti đều cho rằng tình hình ở Ferguson là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn hiện hữu ở Mỹ.
Trong khi đó, biểu tình tại Ferguson đã có dấu hiệu lắng dịu. Lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát Mỹ đã bắt giữ ít nhất 400 người quá khích tham gia làn sóng biểu tình kéo dài 3 ngày qua. Theo cảnh sát trưởng hạt St. Louis, ông Jon Belmar, tình hình đã dần ổn định và mức độ phá hoại cũng giảm đáng kể so với hai ngày trước đó.
Ngoài thị trấn Ferguson - "tâm bão" của các vụ bạo loạn, lực lượng an ninh Mỹ cũng đang theo dõi sát các cuộc tuần hành và biểu tình tại nhiều thành phố lớn như Boston, New York, Los Angeles, Dallas, Atlanta... Đây là một trong những làn sóng biểu tình quy mô lớn hiếm khi xảy ra tại Mỹ, phản ánh tâm lý tức giận của người dân Mỹ trước tình trạng phân biệt chủng tộc ở nước này.
Nhật Huy