Ngân hàng ứng dụng công nghệ số, linh hoạt kỳ gửi để hút khách

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đã áp dụng công nghệ số để giảm thời gian giao dịch cho khách hàng; đồng thời linh hoạt các kỳ gửi để hút khách. Một số chuyên gia dự báo: Chiến lược xây dựng mô hình ngân hàng đại lý cá nhân sẽ phát triển mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng trong vài năm tới.

Theo đó, với công nghệ LiveBank 24/7, khách hàng tới giao dịch tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ không phải đến chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mà vẫn có thể mở tài khoản, mở sổ tiết kiệm hay nộp tiền qua hệ thống Internet Banking…

Khách hàng giao dịch tại SeABank.

Tại ngân hàng TPBank, khách hàng có thể thao tác trực tiếp trên màn hình máy tính, điện thoại di động. Hệ thống công nghệ của LiveBank sẽ kết nối trực tiếp với nhân viên của TPBank thông qua video call và hoàn thành các yêu cầu giao dịch.

“Ngân hàng số sẽ là quá trình bắt buộc các NHTM phải thực hiện, NH nào càng đến sớm sẽ càng có cơ hội tiết giảm chi phí kinh doanh. Theo đó, chi phí vận hành giảm đi NH sẽ có cơ hội giảm lãi suất, giảm phí giao dịch cho người tiêu dùng các dịch vụ tài chính NH. Mô hình NH sử dụng công nghệ cũng đặt ra một vấn đề về quản trị nguồn nhân lực cho các NHTM. Theo đó có thể những nhân viên giao dịch tại quầy sẽ phải giảm tối đa bởi một người vận hành máy có thể thay thế hàng chục người như hiện nay”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nói.

Theo VietinBank, trong xu hướng phát triển công nghệ số, mô hình “ngân hàng đại lý cá nhân - Agency Banking” trong những năm tới sẽ rất phát triển. Các NHTM sẽ hợp tác với các cá nhân hoặc các tổ chức đáp ứng được các yêu cầu về tài chính và “phẩm chất đạo đức”, từ đó mở rộng mạng lưới đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Những cá nhân, tổ chức làm đại lý cho ngân hàng khi đó có thể là một chủ cửa hàng, một công ty kinh doanh có địa điểm và một lượng tiền mặt tương đối ổn định. Họ sẽ tự trang bị thiết bị di động hoặc máy tính được kết nối Internet để cài đặt ứng dụng Ngân hàng đại lý cá nhân do ngân hàng cung cấp.

“Ngân hàng sẽ không cần phải mở thêm chi nhánh hay phòng giao dịch nào mà vẫn có hàng ngàn cá nhân, tổ chức hợp tác làm đại lý bán các sản phẩm dịch vụ cho mình. Tương tự như Uber không sở hữu chiếc xe taxi nào nhưng vẫn trở thành hãng kinh doanh vận tải qua nền tảng công nghệ lớn nhất thế giới nhờ cho phép những cá nhân có điều kiện (có xe riêng) tham gia cung cấp dịch vụ taxi mọi lúc mọi nơi thông qua một nền tảng công nghệ của mình”, đại diện VietinBank nói.

Để rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng, khách hàng có thể sở hữu thẻ tín dụng VPBank chỉ sau vài thao tác trực tuyến với phương thức mở thẻ 3 không: “Không đi lại - Không giấy tờ - Không chờ đợi” của VPBank chắc chắn sẽ mang lại cho khách hàng những trải nghiệm có 1-0-2. Theo đó, chỉ 20 phút đăng ký và đăng tải hồ sơ; phê duyệt hoàn toàn tự động; thẻ trao tay sau 48h làm việc.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, xu hướng ngân hàng không điểm giao dịch chắc chắn sẽ được các NHTM nhanh chóng nắm bắt. Bởi thực tế hiện nay tại Việt Nam đã có 70 tổ chức tín dụng trong hệ thống triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, 35 tổ chức cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Trong khi đó, các thống kê cho thấy chi phí cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng điện thoại cho mỗi khách hàng giảm từ 80- 90% so với việc sử dụng mô hình chi nhánh vật lý.

Nhằm tạo sự linh hoạt cho khách hàng gửi tiền, SeABank vừa triển khai dịch vụ mới -Tiền gửi kỳ hạn ngày dành cho khách hàng pháp nhân. Tiền gửi kỳ hạn ngày dành cho khách hàng pháp nhân là hình thức huy động vốn bằng Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, trong đó khách hàng được chọn kỳ hạn gửi theo ngày, lãi được trả một lần vào cuối kỳ hạn gửi.

Theo đó, với số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng hoặc 2.000 USD/EUR, các khách hàng có thể lựa chọn kỳ hạn gửi theo ngày linh hoạt từ 30 - 9 ngày. Khách hàng được linh động lựa chọn kỳ hạn chuyển tiếp về kỳ hạn ngày hoặc kỳ hạn tháng để đảm bảo thuận tiện theo dõi hợp đồng tiền gửi.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Thanh toán di động - Bài 2: Ngân hàng số thúc đẩy tài chính toàn diện
Thanh toán di động - Bài 2: Ngân hàng số thúc đẩy tài chính toàn diện

Sự phát triển của thị trường ngân hàng bán lẻ, thanh toán di động hiện nay và trong tương lai sẽ luôn gắn với sự phát triển, ứng dụng của công nghệ số vào hoạt động ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN