Ngành chế biến gỗ quy mô nhỏ, thách thức lớn

Là một trong những ngành kinh tế mang lại giá trị xuất khẩu cao, song ngành công nghiệp chế biến gỗ đang gặp phải nhiều thách thức bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, lại phải chịu sức ép cạnh tranh từ các đối thủ ngoại.

 

Tăng trưởng nóng


Hiện ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 6 trên thế giới. Đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia; trong đó, Mỹ chiếm 40%, khối EU 30%, Nhật Bản 15%.


Chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương - Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Trần Việt- TTXVN

 

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp chế biến gỗ tăng mạnh từ năm 2006 đến nay với hàng nghìn doanh nghiệp, nhà máy chế biến đồ gỗ, dăm gỗ được xây dựng, nhất là các doanh nghiệp, nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chỉ đạt 1,93 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2012 con số này đã tăng lên 4,67 tỉ đô la Mỹ; dự kiến năm nay đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ. Trong giai đoạn này, mức tăng trưởng cả về sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đều ở mức 14%/năm.

 

Thách thức và áp lực chuyển đổi


Nếu chỉ nhìn vào con số thống kê, việc đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 6 thế giới về giá trị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, bên trong con số đó vẫn còn nhiều điều đáng lưu ý. Theo thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cả nước hiện có hơn 3.900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong đó, chỉ có 19 doanh nghiệp nước ngoài nhưng chiếm tới gần 50% giá trị xuất khẩu của toàn ngành.


Việc hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô nhỏ đã tạo áp lực lên chính các doanh nghiệp này và cả ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo đó, việc đầu tư công nghệ, hệ thống sản xuất quản lý hiện đại, khoa học nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị tăng thêm rất khó khăn. Trong khi tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài, mỗi công nhân tạo nên giá trị sản phẩm xuất khẩu lên tới hàng chục ngàn đô la Mỹ mỗi năm; thì tại hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, con số này chỉ là 1.000 đô la Mỹ/công nhân/năm.


Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, chưa vội so sánh với các quốc gia phát triển về công nghiệp chế biến gỗ, mà sự chênh lệch về công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước cũng rất cao. Tại Đồng Nai, có doanh nghiệp chỉ sử dụng 600 lao động nhưng mỗi tháng xuất khẩu 150 container sản phẩm; trong khi đó, với các doanh nghiệp tại Bình Định, để làm ra lượng sản phẩm như thế thì họ cần đến 2.500 người. Tại các quốc gia phát triển mạnh về lĩnh vực này, dây chuyền sản xuất hiện đại giúp họ tránh sai sót trong quá trình sản xuất. Họ dùng dòng chảy sản xuất để đánh giá chất lượng sản phẩm, chứ không phải dùng công nhân để kiểm tra từng sản phẩm. Từ trước đến nay, thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam là sản xuất đồ gỗ ngoài trời. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi từ sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang sản xuất đồ gỗ nội thất.


Việc giảm thiểu sức cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến gỗ thường được lý giải do gặp khó khăn về nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ… Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, vấn đề nguyên liệu không quá khó khăn vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch rừng trồng, rừng tự nhiên; thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam cũng rất lớn từ các nước châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi và cả khu vực Đông Nam Á. Cả vấn đề nhập khẩu nguyên liệu phụ trợ cũng không mang tính quyết định. Điều cốt yếu nhất là các doanh nghiệp chế biến gỗ phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, tạo dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động, cải thiện trình độ thương mại quốc tế.

 

Theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), xét theo số lao động thì 46% số doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô siêu nhỏ; 49% quy mô nhỏ; 1,7% quy mô vừa và chỉ có 2,5% quy mô lớn. Xét về vốn đầu tư thì hơn 93% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; 5,5% quy mô vừa và chỉ có 1,2% quy mô lớn.


Ly Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN