Các thiết chế văn hóa được bảo tồn và phát huy. Ảnh:Dương Giang |
Các chương trình, chính sách trên đã đầu tư đến với đồng bào DTTS trên địa bàn lên đến trên 4.040,299 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay trên 28.755 hộ gia đình đồng bào nghèo chưa có nhà ở, nhà rách nát, nhà tạm của tỉnh; đã an cư, ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng giải quyết đất ở cho 5.531 hộ gia đình đồng bào DTTS, với diện tích 144,51 ha, bình quân 260 m2/hộ, giải quyết cho 7.737 hộ gia đình thiếu đất, hoặc không có đất sản xuất, với diện tích 2.771,5 ha. Ngoài việc cấp đất sản xuất, tỉnh Đắk Lắk còn áp dụng các hình thức khác như hàng ngàn lao động, hộ gia đình được nhận vào làm công nhân ở các doanh nghiệp, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò)...
Các hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ cấp đất sản xuất, giống vật nuôi; đã sử dụng, chăm sóc có hiệu quả. Chính sách cấp đất sản xuất cho các hộ dân tộc không có hoặc thiếu đất sản xuất, đã giúp cho các hộ gia đình có tư liệu sản xuất để sản xuất, tạo việc làm có thu nhập, để từng bước ổn định cuộc sống, qua đó giúp đồng bào phấn khởi, yên tâm làm ăn, hạn chế phá rừng, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo. Các chương trình, chính sách cũng đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, buôn, hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Cơ sở hạ tầng và chất lượng giáo dục được nâng lên. Ảnh:Dương Giang |
Tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng định canh định cư cho đồng bào DTTS chủ yếu là giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn... phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội các thôn, buôn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 - 3%/năm. Hiện nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số xã có trường tiểu học, các thôn, buôn có nhà trẻ, mẫu giáo, 95% thôn, buôn có điện, trong đó có gần 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 100% số xã có trạm y tế và 100% trạm y tế đều có bác sĩ phục vụ tốt yêu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào...
Đồng bào được hưởng các dịch vụ y tế từ cơ sở. Ảnh: Dương Giang |
Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở Đắk Lắk, đã xuất hiện hàng ngàn gương điển hình là đồng bào DTTS, lớp người tiêu biểu của thế hệ mới có trình độ học vấn, am hiểu khoa học công nghệ, mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, những người không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân, gia đình mình mà còn giúp đỡ cộng đồng nơi cư trú thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng như: Anh Y Hom Niê, ở buôn Krum B, xã Cư Bao (huyện Krông Búk) hiện có gần 90 ha cao su, cà phê hay như anh Y On Niê, ở buôn Sút, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có 28 ha cà phê, cao su. Cả hai anh đều là người dân tộc Êđê, mỗi năm có thu nhập hàng tỷ đồng trở lên...
Ở buôn Kalia, phường Đạt Hiếu (thị xã Buôn Hồ) có gần 100% là đồng bào dân tộc Êđê đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước như chương trình 132, 134, 167, 1... nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao. Thông qua các chương trình, chính sách hàng chục năm nay, đồng bào nơi đây không trồng lúa rẫy hay sống dựa vào tài nguyên rừng mà bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thâm canh cây cà phê, hồ tiêu, lúa nước ngay từ khâu chọn giống mới, trồng, làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Ông Y Me Niê, dân tộc Êđê, Buôn trưởng buôn Kalia phấn khởi cho biết, bây giờ, trong buôn Kalia không còn hộ đói, nghèo chỉ có hộ có thu nhập trung bình, khá, giàu thôi, không còn phải sống du canh, du cư, đói cơm, nhạt muối như trước năm 1975 nữa, con cháu đều được đi học đến nơi đến chốn...
Những mong muốnViệc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và mang lại những hiệu quả rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS... Do vậy, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ duy trì và có thêm các chính sách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế... cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.
Cần nghiên cứu, loại bỏ dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân như Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định 102 mà tăng cường các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khuyến khích người dân nâng cao ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường hỗ trợ đầu tư quản lý bảo vệ rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Các chính sách đầu tư khác trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của người dân, với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế, tăng định mức hỗ trợ đầu tư đặc thù cho khu vực Tây Nguyên để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ các chương trình. Có chính sách hỗ trợ về giá và hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển bền vững đối với các cây trồng, mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu...
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ ban hành các văn bản quy định về quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án được thực hiện trên cùng một địa bàn, đồng thời, có các cơ chế chính sách quản lý của các chương trình, dự án cần được ban hành sớm nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.