Ngày 28/5, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã tiếp phái đoàn gồm 5 hạ nghị sỹ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân Chủ, do ông Mark Sanford, hạ nghị sỹ bang South Carolina dẫn đầu. Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, đây là lần thứ 2 trong vòng 3 ngày, Ngoại trưởng Cuba tiếp các nhà lập pháp Mỹ. Trước đó, ngày 25/5, ông Rodríguez đã gặp gỡ với phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ do ông Thomas Udall, Thượng nghị sỹ Dân chủ đến từ bang New Mexico, dẫn đầu.
Báo chí Cuba cho biết trong các cuộc gặp gỡ này, hai bên đã “trao đổi các vấn đề cùng quan tâm về quan hệ song phương, bao gồm quá trình tái thiết lập ngoại giao và mở đại sứ quán, cũng như cuộc thảo luận tại Quốc hội Mỹ về xóa bỏ bao vây cấm vận chống Cuba”. Ngoài ra, hai bên cũng đã phân tích cơ hội làm ăn của doanh nghiệp Mỹ một khi chính sách trừng phạt của Washington chống La Habana được dỡ bỏ.
Trước đó, trong chuyến thăm "hòn đảo tự do", phái đoàn nghị sỹ do ông Udall dẫn đầu cũng khẳng định “sự ủng hộ của lưỡng đảng đang được củng cố” trong Quốc hội Mỹ nhằm dỡ bỏ một số điều khoản trong lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ đơn phương áp đặt đối với Cuba từ năm 1961. Nhiều thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ ủng hộ việc loại bỏ ít nhất một số điều khoản trong lệnh cấm vận này.
Kể từ khi bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên hồi giữa tháng 1/2015 tới nay, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã ghi nhận nhiều tiến triển đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là việc Washington đệ trình Quốc hội xem xét việc đưa La Habana ra khỏi cái gọi là "danh sách các nước bảo trợ khủng bố”, nới lỏng các hạn chế về đi lại và thương mại, mở tuyến tàu thủy từ Florida tới Cuba và mới nhất là khôi phục quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng. Một khi hai bên đạt được thỏa thuận về việc mở lại các đại sứ quán, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ trình một bản thông cáo lên Quốc hội Mỹ 15 ngày trước khi triển khai.