Nói đến Sapa thì không thể không nói đến những sản phẩm thủ công mà nhất là vải thổ cẩm. Càng không thể nào quên một phụ nữ dân tộc ngồi thêu trong phiên chợ mà tôi đã gặp một lần lên xứ sở mờ sương này.
Trung tâm thông tin và dịch vụ du lịch Sapa, phố Cầu Mây ấm hơn với những sắc đỏ trên mũ người Dao. Ở một góc trong khu vực ấy, những người phụ nữ dựng gùi, ngồi thêu và cũng bán sản phẩm thêu của mình. Đây cũng là nơi thu hút nhiều tay máy, nhiều khách nước ngoài. Khách du lịch trong nước lại ít đến trung tâm thông tin này bởi khi đi đã có đoàn dẫn. Một người nước ngoài đã từng chụp họ, nay mang ảnh đã chụp đến tặng. Đôi bên cười ấm lòng nhau.
Các bà, các chị đến đây đều mang theo thức ăn để ăn trưa. Ăn xong họ ngủ gật tại chỗ rất "dễ thương". Nhiều người xuống phiên chợ này còn mang theo cả con nhỏ, nhũng nhẵng bên mẹ thêu hàng. Những bé còn chưa dứt sữa, mẹ cho ti ngay chợ. Sau giờ nghỉ trưa, lại đến giờ thêu thùa khăn, ví, mũ, túi đeo… Những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, cả đến các cụ bà tuổi xưa nay hiếm, tất cả đều say mê với tác phẩm nghệ thuật của mình. Bao tâm huyết và sự khéo léo, đức tính cần cù và lòng kiên nhẫn, với những vuông vải, cái kim, sợi chỉ, họ như quên hết mọi âm thanh ồn ã xung quanh để làm nên những hoạ tiết vô cùng rực rỡ. Công việc của họ, con người họ chân chất, mộc mạc.
Người phụ nữ luống tuổi ngồi thêu trong sương, trong nắng Sapa - với tôi, thật khiêm nhường, âm thầm, lặng lẽ.
Ngắm nhìn họ làm việc mà tôi liên tưởng đến công việc của người nghệ sỹ, đầy lãng mạn nhưng cũng rất nghiêm túc, họ miệt mài tạo ra những tác phẩm tuy nhỏ bé nhưng giá trị thật lớn lao. Đó là cái tinh túy, cái hồn cốt của bao đời được lưu giữ, được truyền đến muôn đời sau. Không những thế, những sản phẩm ấy sẽ theo chân bao du khách nước ngoài tỏa đi khắp năm châu.
Nguyễn Mạnh Hùng