Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tính đến hết tháng 3/2018, tổng dư nợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Lai Châu đạt 1.583 tỷ đồng, chiếm trên 87% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn. Ngoài các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn được vay vốn nhiều ở các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…
Nguồn vốn vay được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, mua máy móc và công cụ lao động phục vụ sản xuất kinh doanh, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường… Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hiện trả lãi, trả gốc khi đến hạn. Đặc biệt, sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã xây dựng được mạng lưới các điểm giao dịch tại 108/108 xã, phường, thị trấn với 1.492 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, bản, khu dân cư, tổ dân phố… qua đó góp phần đưa nguồn vốn tín dụng của Nhà nước đến tận tay người hưởng thụ một cách nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ.
Trong 10 năm qua (2007-2017), hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44,87% xuống còn 29,%. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực nông thôn của tỉnh tăng từ 3,74 triệu đồng/người/năm lên gần 26 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm bình quân cho 4.595 người/năm; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hơn 19 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An phát biểu. |
Tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã ghi nhận những thành tích đã đạt được trong thực hiện chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu 10 năm qua. Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho rằng, thời gian tới, để tiếp tục quản lý tốt các chương trình tín dụng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu cần đẩy mạnh theo dõi và thu hồi nợ cũ của các chương trình tín dụng thực hiện trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp triển khai thực hiện với các tổ chức tín dụng triển khai cho vay theo Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách, phù hợp vứi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và tăng cường giám sát cho vay đúng đối tượng hưởng thụ chính sách đúng mục đích sử dụng vốn vay.
Quang cảnh buổi tổng kết. |
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đánh giá, chương trình vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã có tác dụng tích cực đến các hộ gia đình, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Lai Châu cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí… Ông Đỗ Ngọc An khẳng định, UBND tỉnh Lai Châu luôn đồng hành và quan tâm, tạo thuận lợi cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu trong quá trình hoạt động. Các sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong công tác triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, lồng ghép với các nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương… nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dồng vốn tín dụng, góp phần nâng cao đời sống người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững.