Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đời sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.
Trung bình hàng năm Sóc Trăng có từ 8.000 - 10.000 hộ thoát nghèo, trong đó, đồng bào Khmer thoát nghèo khoảng 3.000 hộ mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng giảm từ 35% năm 2010 xuống còn 24% năm 2013 và năm 2014 này tỉnh phấn đấu giảm còn 20%.
Ông Dương Đình Lạng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tính đến cuối tháng 9/2014, ngân hàng đã cho gần 150.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2013. Dư nợ bình quân là 14,3 triệu đồng/hộ. Trong số gần 150.000 hộ được vay vốn có tới trên 50.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Số vốn này hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, vay làm nhà, mua đất ở theo Quyết định 74 của Chính phủ, vay mua bò sữa, cho học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc Khmer vay để đi học...
Bà con Khmer đã tập trung mở rộng phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả như: Hợp tác xã chăn nuôi lợn ở thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên), Hợp tác xã Gặt đập liên hợp ở xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú), mô hình nuôi bò sữa ở xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên), Tài Văn (Trần Đề), Thuận Hưng (Mỹ Tú), mỗi xã có từ trên 1.000 đến 1.700 con bò sữa...
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với gần 400.000 người Khmer, chiếm 30,71% dân số của tỉnh. Đa số người Khmer sống tập trung ở vùng nông thôn và chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên còn khó khăn. Thời gian gần đây, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, nhiều bà con Khmer vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Trung Hiếu