Ngày 30/10/1974, Đảng bộ, quân và dân Kon Plông đã vùng đứng lên đấu tranh giải phóng quê nhà. Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, nhất là sau 12 năm thành lập huyện Kon Plông, bộ mặt của vùng đất hoang sơ ngày nào đã dần đổi thay, xứng đáng với kỳ vọng về một vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, một Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam.Thông đường, mở khó cho dân Ngày đầu thành lập, Kon Plông là một trong các địa phương nghèo nhất tỉnh. Dân số đa phần là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Người dân quanh năm chỉ biết làm rẫy, lúa nước vẫn khá xa lạ, cách gieo trồng chọc tỉa phụ thuộc vào thời tiết… Lương thực làm ra không đủ ăn. Giao thông, đi lại khó khăn. Cách đây 10 năm, các xã vùng sâu gần như ốc đảo. Mùa mưa, không vào nổi, đi vào lội bộ cả mấy ngày.
Sản phẩm hoa của Kon Plông. |
“Ngày đó, có làm ra hạt gạo, hạt thóc thì cũng chẳng biết bán cho ai. Con cái đi học, gặp mưa, đường trơn trượt nên được vài bữa lại bỏ học. Lớp chẳng duy trì được sĩ số học sinh. Cái chân đi không tới trường thì con chữ cũng chẳng vào được”, anh A Lễ ở làng Kon Chênh cho biết.
Cách đây chỉ khoảng 10 năm, để vào xã chỉ biết đi bộ, men theo ruộng lúa. Mỗi lần đi công tác mất cả tuần. Cuộc sống khó khăn, vất vả. Người dân gần như tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, giá lương thực, thực phẩm đến dân bị đội giá rất cao. Nông sản bán đi lại chẳng được mấy đồng, tất cả cũng chỉ vì giao thông trắc trở…
Xác định để giúp dân thoát nghèo, đưa cây, con mới vào cho dân trồng trọt, chăn nuôi thì việc trước tiên là có đường. Có đường, hàng hóa, nông sản của dân mới lưu thông. Chính vì vậy, chính quyền các cấp đặt quyết tâm làm đường để “nối” buôn làng với ấm no.
“Năm 2005, khi tôi vào công tác ở xã Đắk Nên thì chỉ biết đi bộ, mưa quanh năm, đường lầy lội. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền hạ quyết tâm mở đường giúp dân. Ngày đó, vận động dân tham gia làm đường rất đơn giản. Chỉ cần tuyên truyền, vận động là dân hưởng ứng, chẳng cần phải đền bù, giải phóng mặt bằng. Khi có đường thì mọi chuyện thuận lợi hơn. Nông sản, hàng hóa mua, bán cũng dễ. Các loại cây, con giống mới cũng dễ dàng đưa vào cho dân. Cùng với đó hàng loạt các công trình như điện, trạm xá, thủy lợi cũng theo đường đến gần với dân”. Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết.
Nhờ quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân mà các con đường huyết mạch được bê tông hóa, nhựa hóa cứ dần nối các xã vùng sâu, vùng xa như Đắk Rinh, Đắk Nên, Măng Bút, Măng Cành… lại gần hơn với đô thị. Cũng từ đây, hàng loạt các loại cây trồng khác đã được chính quyền Kon Plông đưa vào gieo trồng, dần thay cho lúa rẫy, như lúa nước (đảm bảo đủ an ninh lương thực), cà phê xứ lạnh, bời lời, mỳ… đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ngoài ra, đèo Măng Đen, đường nhỏ, bên núi, bên vực sâu, dài 13 km nhưng có hơn trăm khúc cua tay áo, vật cản lớn của Kon Plông với các vùng miền trong tỉnh cũng đang được xóa bỏ. Một dự án thi công đường tránh đèo Măng Đen đang được các đơn vị gấp rút thi công. Theo dự kiến đến cuối năm 2014, công trình sẽ hoàn thành.
Đến nay, tất cả các xã trong huyện đều có đường ô tô đến được trung tâm, bất kể mùa nào. Đây là một thành công lớn của Kon Plông suốt từ ngày thành lập huyện mới đến nay.
Khai thác lợi thế thiên nhiên để phát triểnMặc dù vẫn là một trong những huyện đang hưởng chương trình 30a của Chính phủ (một trong những huyện nghèo của cả nước) nhưng Kon Plông vẫn được tỉnh Kon Tum xác định là một trong 3 vùng động lực kinh tế của địa phương, gắn với vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (cùng với thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi).
Trung tâm Kon Plông và vùng sinh thái quốc gia Măng Đen nằm trên quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km. Nơi đây có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển. Đây là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh với hệ thống sông, suối, thác nước đẹp đã đưa vào sử dụng như thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, Toong Đam; cùng với hệ thống lòng hồ thủy điện như Đăk Đrinh, Thượng Kon Tum, phù hợp du lịch dã ngoại… Đây là tiềm năng thuận lợi để Kon Plông trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Sau khi đường đã thông thì “hè” cũng thoáng. Tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên với thời tiết, khí hậu mát quanh năm, thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại cây trồng có giá trị cao, cung cấp không chỉ cho Kon Tum mà cho cả vùng miền Trung và Tây Nguyên, đến nay, Kon Plông đã thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trồng rau, hoa xứ lạnh, cá nước lạnh. Hàng loạt dự án nuôi cá Tầm đã được mở ra. Đây được ví như loại cá nghìn đô (mỗi kg trứng cá xuất bán cả nghìn đô la), đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm mở rộng. Huyện cũng có cả một chương trình riêng để đưa con cá tầm đến người dân nghèo nơi đây. Việc ấp cá giống từ chỗ phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, từ năm 2014 được chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ (đầu tư máy, hướng dẫn kỹ thuật) cho doanh nghiệp tự thực hiện. Thức ăn của cá (hỗn hợp giữa mỳ và cá biển) cũng đã được người dân học hỏi nhanh để về tự làm…
Bên cạnh đó, các loại hoa xứ lạnh như ly, lan, dâu tây, đồng tiền cũng đã được người dân biết, bắt đầu triển khai trồng đại trà trong dân. Các sản phẩm này đã bắt đầu có chỗ đứng trong tỉnh Kon Tum và vươn ra các tỉnh lân cận.
Theo ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, trên từng dự án, huyện sẽ ưu tiên tập trung tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng đến vùng dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư. Huyện cũng thành lập tổ xúc tiến đầu tư giúp cho các tổ chức, cá nhân, các dự án giải quyết được một cách nhanh nhất về các thủ tục hành chính. Đây cũng chính là yếu tố để giúp Kon Plông thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh: Cao Nguyên