Người dân xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thu hoạch nhãn. |
Cây nhãn là loại cây đã gắn bó với người dân nhiều vùng của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, qua thời gian, cây nhãn trồng lâu năm đã dần thoái hóa cho sản lượng và chất lượng quả thấp.
Từ năm 2009, một bước ngoặt đối với người trồng nhãn đã xuất hiện, đó là việc triển khai nhân rộng mô hình nhãn ghép. Đến nay, thực tế cho thấy cây nhãn ghép đã mang lại những hiệu quả quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Hơn 10 năm về trước, với diện tích gần 2 ha, gia đình ông Trần Văn Sơn ở Bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong được biết đến là một trong những hộ có vườn nhãn khá lớn tại huyện Sông Mã. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng quả nhãn lại rất thấp. Thu nhập hàng năm không không đáp ứng được việc phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhận biết được nguyên nhân là do chất lượng giống kém, cây già cỗi và chưa có kỹ thuật chăm sóc cải tạo vườn nhãn sau thu hoạch, nhưng gia đình ông không có biện pháp gì để cải thiện. Qua nhiều năm, do giá trị kinh tế thấp nên gia đình ông buộc phải tìm cách xử lý vườn nhãn. Hai phương án được đưa ra, đó là chặt bỏ nhãn để trồng ngô hoặc tiếp tục giữ lại nhưng giảm bớt diện tích để trồng cây khác.
Đúng lúc đó, một sự thay đổi lớn đã đến với gia đình ông. Vào năm 2009, huyện Sông Mã có chủ trương cải tạo lại vườn bằng phương pháp ghép mắt để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây nhãn. Sau nhiều lần được Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã giới thiệu về kỹ thuật mới, gia đình ông đã mạnh dạn cho đơn vị này sử dụng vườn nhãn để làm mô hình điểm thực hiện kỹ thuật ghép nhãn. Lúc đó, gia đình ông là hộ gia đình đầu tiên ở Sông Mã tiên phong thực hiện việc áp dụng kỹ thuật mới này.
Ông Trần Văn Sơn chia sẻ, lúc đầu nghe cán bộ khuyến nông xuống tuyên truyền gia đình cũng rất lo lắng. Bởi thứ nhất là phải có nguồn vốn đầu tư. Hai là nguồn giống và quan trọng nhất là không biết năng suất sau cải tạo sẽ như thế nào. Sau nhiều đêm hai vợ chồng cùng bàn bạc, gia đình đã đưa ra quyết định triển khai ghép nhãn.
Không phụ lòng người, sau hai năm ghép nhãn, trái ngọt đã đến với gia đình. Cây nhãn ghép giờ đây cho sản lượng cao gấp gần 2 lần so với trước. Đặc biệt là chất lượng quả rất ngon, cùi dày và có vị thơm đặc trưng.
Từ thành công đó, mô hình cải tạo diện tích nhãn già cỗi bằng kỹ thuật ghép mắt đã nhanh chóng được triển khai rộng rãi, được đa số các hộ trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đồng tình, hưởng ứng.
Bà Đinh Thị Hảo, Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện Sông Mã cho biết, từ mô hình ban đầu triển khai năm 2009, bà con đã thấy được hiệu quả của việc cải tạo vườn nhãn. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã đề nghị cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật để cải tạo vườn nhãn của gia đình.
Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn bà con thực hiện việc trồng, ghép và chăm sóc cây ghép theo đúng quy trình kỹ thuật. Cùng với đó, giống nhãn ghép mới là nhãn chín muộn thường có giá bán cao hơn nên đã đem lại thu nhập cao, ổn định cho bà con. Đến nay, hầu hết diện tích nhãn kém hiệu quả đã được bà con chủ động ghép cải tạo.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, cây nhãn đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực cho giá kinh tế cao, đem lại cuộc sống ổn định và ấm no cho người dân ở nhiều vùng trong huyện. Bởi với năng suất và chất lượng ổn định, mỗi ha nhãn ghép có sản lượng trung bình từ 8 - 9 tấn, và mang lại thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha. |
Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã cho biết, thời gian vừa qua chính quyền địa phương đã đề ra chủ trương chuyển những diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn. Đồng thời, tuyên truyền bà con nhân dân tiếp tục cải cải tạo diện tích nhãn cho năng suất thấp để áp dụng các biện pháp kỹ thuật đưa giống mới vào cho năng suất, sản lượng cao. Hiện nay, cây nhãn là cây chủ lực và đem lại hiệu quả kinh tế rất là cao đối với bà con trên địa bàn xã. Từ nguồn lợi thu nhập từ cây nhãn trên địa bàn xã, có nhiều hộ đã xóa đói, giảm nghèo.
Hiện phần lớn những diện tích nhãn già cỗi, thoái hóa, có năng suất, chất lượng thấp ở huyện Sông Mã đã được thay thế bằng những vườn nhãn ghép mắt cho năng suất và chất lượng cao. Đến hết năm 2017, trên địa bàn toàn huyện Sông Mã đã có trên 3.000 ha nhãn ghép mắt trong tổng số gần 6.000 ha trồng nhãn của các hộ nông dân.
Trước hiệu quả cao từ việc trồng nhãn, huyện Sông Mã đã xác định đây là cây chủ lực để giúp người dân làm giàu. Hiện nay, huyện Sông Mã đang triển khai xây dựng các mô hình Hợp tác xã trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap. Từ đó, để tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến trong nước cũng như hướng tới việc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một thông tin được người trồng nhãn Sơn La đang hết sức quan tâm là việc có một nhà máy chế biến hoa quả cao cấp đang được triển khai xây dựng tại địa phương này. Khi đó, người trồng nhãn hi vọng sẽ không còn cảnh thấp thỏm mỗi khi vào vụ nhãn như thời gian vừa qua nữa. Không những thế, khi có đầu ra ổn định, cây nhãn không còn là loại cây là “cây xóa đói giảm nghèo” mà thực sự trở thành loại cây giúp những nông dân vươn lên thành triệu phú.
Theo Bí thư Huyện ủy Sông Mã Vi Đức Thọ, để phục vụ vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoa quả trên địa bàn tỉnh Sơn La, huyện Sông Mã đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu, trong đó tập trung vùng nguyên liệu an toàn. Để phát triển vùng nguyên liệu này, huyện đã có chủ trương tuyên truyền, vận động các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, huyện Sông Mã sẽ bố trí hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các hợp tác xã trong giai đoạn đầu để đảm bảo quy trình và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của các nhà máy chế biến.