Nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội

*Từ ngày 26/4 đến 6/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII tại các huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, Cẩm Khê và Lâm Thao.


Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đề xuất một số nội dung liên quan tới chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế nông lâm nghiệp và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; môi trường nông thôn; vốn vay để sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp nông thôn. Vấn đề giải quyết việc làm thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri, đặc biệt là việc làm cho thanh niên nông thôn. Cử tri đề nghị cần có chính sách để thanh niên dễ tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp để giải quyết việc làm ngay tại nông thôn.


Về lao động nông thôn, các cử tri cho rằng đất đai bị thu hẹp để phát triển các dự án. Sau đền bù người dân khó kiếm việc làm và thu nhập. Nhà nước cần có cơ chế để các chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải có phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân sau thu hồi đất.

* Từ ngày 4 - 6/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chia thành 3 tổ đã tiếp xúc cử tri ở 15 xã, phường, thị trấn của tất cả 7 huyện, thành phố.


Tại các nơi tiếp xúc, cử tri kiến nghị một số vấn đề bức xúc của địa phương như: Nhà nước cần có những biện pháp ổn định đầu ra cho nông sản do nông dân làm ra; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã vùng sâu như: điện, đường, y tế; về chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và cận nghèo; chính sách cho gia đình có công cách mạng... Cử tri huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải kiến nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa về chất lượng giáo dục; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; vấn đề lương hưu cho cán bộ Nhà nước, người có công cách mạng; tăng thêm chức danh cho cán bộ xã; chính sách vay vốn cho hộ nuôi trồng thủy sản, nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững…

* Ngày 6/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thuộc hai đơn vị số 1 và 3 đã có buổi tiếp xúc cử tri ở hai huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ. Cử tri kiến nghị Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các khiếu nại về đất đai, cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất; việc Nhà nước giao đất cho một số doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hoặc bỏ hoang, trong khi đó người dân lại thiếu đất sản xuất... Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt nghiêm một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Cử tri cũng mong muốn sử dụng nguồn nông sản trong nước làm nguyên liệu thức ăn gia súc, nhằm giảm giá thành thức ăn gia súc, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi.


* Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phối hợp với ngành giáo dục đào tạo tỉnh đã tiến hành giám sát về chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại một số cơ sở giáo dục thành phố Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh.


Kết quả giám sát từ nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri là các nhà lãnh đạo, quản lý, giáo viên ngành giáo dục cho thấy: Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã bám sát mục tiêu giáo dục cấp học, cơ bản thể hiện được quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước. Chương trình đã chú ý tới giáo dục toàn diện con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ, tăng cường hoạt động giáo dục và định hướng nghề nghiệp so với chương trình cũ trước đây. Tuy nhiên, mặt chưa được là chương trình chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông, không có tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình của bậc phổ thông còn quá tải về nội dung và chưa phù hợp với trình độ đại trà của học sinh. Mặt khác, trong chương trình giảng dạy mới, một số môn học còn yêu cầu cao dẫn đến học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và học sinh có học lực yếu kém khó theo kịp.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN