Những người giành sự sống cho bệnh nhân nhiễm HIV

Khoa nhiễm E được xem là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất của Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân ở đây thường là những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Thế nhưng, những y bác sỹ ở đây vẫn âm thầm ngày đêm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Niềm vui của họ là nhìn thấy sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục.

 

Không có sự chen lấn đợi chờ khám bệnh như tại các khoa khác trong bệnh viện, mà chỉ có những bệnh nhân yếu ớt với ánh mắt vô vọng nằm tại chỗ hoặc di chuyển rất mệt mỏi, đang đợi y tá đến hướng dẫn. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, bởi thế, trong số những bệnh nhân ở đây, nhiều người bị gia đình từ bỏ, hoặc nghĩ rằng mình không thể sống được nên chán đời, tuyệt vọng; thậm chí nhiều người tự tìm đến cái chết... Nhưng những y, bác sỹ ở đây đã tiếp thêm động lực sống cho họ bằng sự chăm sóc ân cần, chu đáo.

 

Nhiều y bác sỹ luôn tận tâm chăm sóc và điều trị bệnh nhân.


Buồng chăm sóc giảm nhẹ của khoa nhiễm E có hơn 10 giường bệnh. Đây là khu vực bệnh nhân nặng nhất. Bất chấp những cơn ho kéo dài của bệnh nhân HIV bị biến chứng lao phổi, mụn nhọt, ghẻ lở đầy trên cơ thể gầy gò của bệnh nhân, các y, bác sỹ ở đây vẫn không ngại chăm sóc họ, từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân.


Gắn bó với việc chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV được hơn 20 năm, chưa khi nào chị Oách Thị Kim Nhung, Điều dưỡng trưởng khoa nhiễm E, lại nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ công việc này. Chị tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng mình chọn công việc này, mà chính công việc này đã chọn tôi. Đối với những bệnh nhân bị nhiễm HIV ở giai đoạn nặng, đặc biệt là khi họ bị gia đình ruồng bỏ, thì chúng tôi phải lo tất cả mọi sinh hoạt từ chuyện ăn uống, tắm giặt đến vệ sinh cho bệnh nhân.

Nhiều bệnh nhân không kiểm soát được, tiêu chảy ra giường, chúng tôi phải tắm giặt, thay tã... Chúng tôi xem họ như những người thân của mình. Công việc lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Vất vả là thế, nhưng chỉ cần nhìn thấy sức khỏe của bệnh nhân dần dần hồi phục trở lại là chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm rồi”.


Công việc của những hộ lý, y tá, bác sỹ không tránh khỏi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm HIV như máu, dịch đờm... “Chuyện tai nạn nghề nghiệp là thường xuyên. Bởi bệnh nhân bị nhiễm HIV ở đây thường sử dụng ma túy. Mỗi lúc lên cơn, họ rất hung hăng, kích động khua tay, khua chân, nên khi chúng tôi tiêm chích rất dễ bị kim đâm và bị bệnh nhân khạc nhổ những dịch tiết vào người”, chị Kim Nhung chia sẻ.


Gần 27 năm gắn bó với công việc chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV, bác sỹ Ngô Thị Kim Cúc, Trưởng khoa nhiễm E, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, luôn tâm niệm rằng người bác sỹ ngoài chuyên môn sâu thì cần phải có sự tận tâm và có những lúc phải chịu sự hy sinh. “Khi mới vào làm trong khoa nhiễm E của bệnh viện, tôi nghĩ rằng đã là bác sỹ thì phải chữa bệnh, không phân biệt bệnh nhân của mình mắc bệnh truyền nhiễm hay không.

Có những bệnh nhân cơ thể gầy gò yếu ớt, lở loét và bị mắc nhiều bệnh nặng, tôi có cảm giác lúc đó bệnh nhân khó có thể sống được. Thế nhưng sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã dần khỏe lại. Đó là một điều kỳ diệu. Chứng kiến những bệnh nhân sức khỏe ngày càng hồi phục, không chỉ có tôi mà còn tất cả y bác sỹ trong khoa có thêm động lực tiếp tục với công việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV”, bác sỹ Cúc thổ lộ.


Bác sỹ Cúc cũng bộc bạch: “Nhiều lần, tôi cũng được người nhà bệnh nhân đưa phong bì nhưng lúc đó tôi đã từ chối và giải thích cho họ rằng căn bệnh này tốn kém rất nhiều tiền, người nhà nên để tiền tập trung lo cho người bệnh. Đối với đội ngũ bác sỹ ở khoa nhiễm E, chỉ cần một lời cảm ơn thôi chúng tôi cũng cảm thấy rất ấm lòng và cảm thấy tự hào với công việc mình đang làm”.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN