Các bệnh nhiễm trùng đường ruột là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao và trí tuệ trẻ em, đó là thông tin mà BS-TS Hà Vinh, Trưởng khoa Nhi B - BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khẳng định với PV trong một cuộc hội thảo mới đây. Không chỉ riêng với Việt Nam, mà ở các nước đang phát triển, các bệnh nhiễm trùng đường ruột gây ra tiêu chảy hiện cũng vẫn là một vấn đề đáng quan ngại...
Vòng xoắn chết người
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 2,5 tỉ người bị tiêu chảy. Tỉ lệ tử vong mỗi năm do các bệnh tiêu chảy hiện đã giảm từ 5 triệu trước đây xuống còn khoảng 1,5 triệu người hiện nay, nhưng vẫn là một con số khá lớn. Bên cạnh đó, như đã nói trên, những tác động lâu dài của nhiễm trùng đường ruột lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em vẫn rất lớn.
Trẻ em trường mầm non xã Tống Trân, huyện Phổ Cừ, đơn vị đang là mô hình điểm thực hiện tốt dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em ở tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
“Từ lâu mối tương quan giữa tiêu chảy và suy dinh dưỡng đã được biết đến với khái niệm “vòng xoắn chết người" (vicious cycle): Tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng rồi đến lượt suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ bị tiêu chảy, vòng lặp lẩn quẩn kéo dài cuối cùng dẫn đến tử vong. Đặc biệt, ngoài tử vong, các tác động xấu dài lâu trên sự phát triển thể chất và trí tuệ của các bé cũng rất nhiều", BS - TS Hà Vinh khẳng định.
Nghiên cứu của nhà khoa học Moore và cộng sự với một nhóm 119 trẻ em trong 10 năm (1989-1998) ở một khu nhà phía bắc Braxin chỉ ra rằng, có mối liên quan giữa bệnh tiêu chảy lúc nhỏ (từ mới ra đời tới tròn 2 tuổi) và sự phát triển chiều cao khi bé được 7 tuổi. Trung bình cứ 7 đợt tiêu chảy bé mắc phải trong 2 năm đầu đời liên quan tới việc giảm 3,6 cm chiều cao khi bé đến 7 tuổi. Nếu trẻ có mắc giun sán trong thời gian đó, chiều cao giảm thêm 4,6 cm nữa, tổng cộng có thể giảm tới 8,2 cm chiều cao nếu vừa bị tiêu chảy vừa có giun sán trong người. Tương tự như vậy, nhà khoa học Guerrant và các cộng sự, khi theo dõi lâu dài một nhóm trẻ ở khu vực phía Bắc Braxin nhận thấy, ở trẻ bị tiêu chảy hoặc bị nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidia đường ruột trong 2 năm đầu đời, chức năng nhận thức tỉ lệ nghịch với số lần tiêu chảy. Hơn nữa sau này, các trẻ bắt đầu đi học trễ hơn khoảng 12 tháng so với các bạn khác không bị bệnh.
Mới đây nhất, trong khi theo dõi một chương trình cung cấp thực phẩm bổ sung cho trẻ em ở Malawi (châu Phi), nhà khoa học Weisz và các cộng sự đã khẳng định: Mặc dù cùng được tiếp nhận dinh dưỡng bổ sung như nhau, các trẻ bị tiêu chảy càng nhiều ngày thì sau 24 tháng sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng càng bị suy giảm; trong khi các trẻ bị sốt hoặc ho mà không tiêu chảy thì chỉ sút giảm về cân nặng mà thôi. Các tác giả khuyến cáo rằng, các chương trình dinh dưỡng nên thực hiện đồng thời với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng hầu như có thể giúp trẻ em đạt được tăng trưởng tối ưu. Còn nếu chỉ chú trọng về mặt dinh dưỡng không thôi thì chưa đủ.
"Không chỉ như vậy, bệnh nhiễm trùng gần đây đã được phát hiện là yếu tố quan trọng nhất tiên đoán chỉ số IQ trung bình của một quốc gia, sau khi đã kiểm soát các yếu tố khác”, BS - TS Hà Vinh cho biết. Theo đó, lý do suy giảm tăng trưởng chiều cao và phát triển trí tuệ được cho là do giảm tỉ lệ năng lượng cung cấp cho não bộ vì cơ thể đã tái phân bố năng lượng cho hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân vi sinh vật gây bệnh.
Vì thể chất của thế hệ tương lai
Như vậy, rõ ràng các bệnh tiêu chảy và bệnh do ký sinh trùng trong 2 năm đầu đời có một mối liên hệ đến tình trạng sút giảm tăng trưởng chiều cao và khả năng nhận thức của trẻ em về lâu dài sau này, đặc biệt về khả năng thích ứng với cuộc sống và khả năng tìm việc làm khi trưởng thành, thiệt hại không chỉ cho cá nhân bệnh nhân mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội.
Do vậy, theo BS - TS Hà Vinh, để có một sự phát triển về thể chất và trí tuệ tối ưu, bên cạnh việc tạo điều kiện cho trẻ được sống trong một không khí gia đình đầy yêu thương, cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng cho bé bằng cách chủng ngừa, và thực hành thường xuyên một động tác đơn giản nhưng hiệu quả rất cao là “rửa tay với xà phòng”. Được biết, rửa tay với xà phòng chính là điểm thứ 5 trong 7 điểm phòng chống các bệnh tiêu chảy mà Tổ chức Y Tế Thế giới đề ra từ năm 2009. Đây là một hành động nhỏ nhưng mang lại ích lợi lớn vô cùng, giúp bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh tiêu chảy và các bệnh lây lan qua đường miệng khác như bệnh tay-chân-miệng.
"Ở Việt Nam, số liệu điều tra từ Cục Y tế Dự phòng cho thấy: Hiện nay chỉ có 12,8% dân số thực hành rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; 15,5% sau khi tiểu tiện và 16,9% sau khi đại tiện. Những con số này còn khá thấp. Vì vậy, cần thiết có một cuộc khảo sát để đo lường hiểu biết của các bà mẹ về việc các bệnh nhiễm trùng đường ruột, bên cạnh việc có thể gây chết người nếu không điều trị kịp thời, còn có ảnh hưởng xấu như thế nào đến sự phát triển chiều cao và trí tuệ của trẻ về sau này. Từ đó có những động tác truyền thông thích hợp, giúp cho các bậc làm cha mẹ hiểu và thực hiện phương châm: Đừng để trẻ bị bệnh" , BS- TS Hà Vinh khẳng định.
Bài và ảnh: Mai Trang