Giày Nhắng là cách gọi thông dụng của người dân Lai Châu về đôi giày được những người phụ nữ dân tộc Dáy làm thủ công. Những đôi giày ấy không thể thiếu trong các đám hiếu, đám hỷ của bà con một số dân tộc ít người ở Lai Châu, nơi tận cùng Tây Bắc Tổ quốc.
Việc hỷ ắt cần giày Nhắng
Đôi giày Nhắng ấm áp, bền đẹp, được làm từ vải, bẹ măng khô với chiếc kim khâu bao, chiếc kéo, cái dùi tự chế và đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn. Không chỉ đi vào cho ấm, cho đẹp, mà nó còn có ý nghĩa tâm linh, là niềm hãnh diện của người phụ nữ dân tộc Dáy. Với các nàng dâu, niềm hãnh diện giày Nhắng còn quan trọng hơn gấp ngàn lần bởi một trong những nghi thức quan trọng để nhà gái cảm ơn nhà trai là tặng giày Nhắng.
Lò Thanh Quỳnh, người Dáy, lấy chồng đã được mấy năm, nhớ lại: “Gia đình đã đặt 20 đôi giày Nhắng cho em để làm quà tặng nhà trai trước ngày cưới một tháng”. Theo tục lệ, hôm cưới, Quỳnh được đón về nhà chồng lúc 1 giờ đêm và ngủ ngoài hè cho đến sáng hôm sau. Trước khi bước qua cửa nhà chồng, Quỳnh phải đi đôi giày Nhắng mới. Và một trong những nghi thức để nhà gái cảm ơn nhà trai là tặng giày Nhắng. Quỳnh múc chậu nước sạch cho các cậu, chú, bác nhà trai rửa chân, tay, mặt mũi rồi tặng họ những đôi giày Nhắng đã chuẩn bị sẵn. Lần lượt đổ chậu nước không còn sạch đó đi, Quỳnh để cái chậu lại chỗ cũ, các cậu, các chú, bác nhà trai mỗi người bỏ một ít tiền hay vòng bạc vào chậu.
Máy khâu đã giúp phụ nữ Giáy bớt vất vả khi làm giày Nhắng. |
Cũng như Lò Thanh Quỳnh, ký ức hân hoan, nhiều màu sắc của lễ tặng giày sẽ đi suốt cuộc đời những cô gái vùng cao Lai Châu. Đối với các cô dâu không phải người Dáy, ngày cưới dù có mặc váy trắng lộng lẫy đến đâu, nhưng khi đón về nhà chồng, cũng phải thay ra mặc áo mới cánh năm thân, xẻ tà xanh nõn chuối, cài khuy lệch về một bên và đi giày Nhắng thì mới được bước chân vào trong nhà cùng chú rể khấn vái tổ tiên.
Khi chết cũng phải được đi giày
Ai gặp anh Liều A Dia, người Mông, ở bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu (Lai Châu) trong một buổi chiều cuối năm nọ đều thấy anh cuống cuồng. Ấy là nhà anh có chuyện. Anh phải đến nhà bà Lò Thị Suông, người Dáy, cùng xã để nhờ bà làm một đôi giày cho mẹ. Mẹ Dia 81 tuổi, đã bị ốm một năm nay. Dia đặt bà Suông làm đôi giày Nhắng với mong ước “Khi sống mẹ được đi giày, khi chết cũng phải được đi giày chứ”.
Dia giải thích, đặt làm giày Nhắng cho mẹ vì loại giày này làm không dùng đến nhựa, cái lý của người Mông là không chôn cất bên người chết bất cứ loại nhựa nào, kể cả cái cúc áo cũng không được chôn theo. Như thế, với anh và nhiều người khác, giày Nhắng là lòng con gửi mẹ hiếu thảo.
Trăn trở nghề làm giày Nhắng
Có mặt trong suốt đời người như thế, nhưng giày Nhắng lại không phải mặt hàng có thể làm giàu cho nghệ nhân. Riêng phần đĩa giày phải làm tới 3 lớp với 5 lần bẹ măng khô, khâu bằng chỉ bện, phải dùng dìu, gồng hai tay xuyên thành lốt trước rồi mới dùng kim khâu bao xuyên sang được. Phần bát giày, trước đây khâu tỉ mỉ từng mũi bằng tay, nay đã dùng máy khâu để tạo ra những đường chỉ hoa văn trang trí. Mỗi đôi giày Nhắng giỏi làm cũng mất tới 2 - 3 ngày, bán chỉ được từ 30 - 50.000 đồng. Giày Nhắng đẹp và rất bền nếu người đi giữ gìn không để giày ướt.
Về kiểu dáng, giày làm cho nam khác nữ, người già khác người trẻ. Giày nam phần đế màu trắng, phần mũi có màu đen; phụ nữ trẻ đi giày màu xanh nõn chuối; nữ có tuổi thường đi giày màu tối.
Những dịp đầu năm mới và lễ hội, phụ nữ Dáy ai cũng diện đôi giày của dân tộc mình du xuân, trông rất đẹp, gọn gàng, uyển chuyển. Thế nhưng, lo ở chỗ nhu cầu nhiều vậy, song những người làm ra đôi giày này nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Công Hải