Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng tăng và vẫn chưa được xử lý gây thiệt thòi cho người lao động. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về thực tế này.
´Ông nhận định như thế nào về tình hình nợ đọng BHXH đang diễn ra hiện nay?
Năm 2012, nợ đọng và trốn đóng BHXH còn tồn dư khoảng 4.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,27% tổng thu quỹ BHXH nước ta và trong 5 tháng đầu năm 2013 là hơn 8.000 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng BHXH vẫn còn tiếp diễn và là vấn đề cần phải xem xét trong thời gian tới.
Nguồn quỹ BHXH từ hai nguồn, thứ nhất là tiền của người lao động đóng cho người sử dụng lao động; hai là chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động. Trong trường hợp nợ đọng BHXH có nghĩa là người lao động đã đóng BHXH cho người sử dụng lao động nhưng chủ sử dụng lao động lại không nộp cho BHXH, đây là hành động trưng dụng vốn và sử dụng sai mục đích. Nếu xét theo Luật Thuế thì đây là vi phạm pháp luật nhưng chế tài và biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp bắt buộc phải nộp BHXH cho người lao động. Tình trạng này gây nhiều bức xúc trong xã hội và quan trọng nhất là làm cho nguồn quỹ BHXH không thu được, gây nguy cơ vỡ quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động sau này.
´Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu và tại sao đến nay vẫn chưa thể xử lý được vấn đề này?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo tôi nguyên nhân cơ bản do chủ sử dụng lao động không nghiêm túc thực hiện theo quy định pháp luật. Có những doanh nghiệp trốn tránh, không chấp hành quy định về BHXH, thậm chí lợi dụng quỹ BHXH để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số doanh nghiệp do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, không có khả năng đóng BHXH cho người lao động.
Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động đã đóng BHXH thì người sử dụng lao động phải đem số tiền đó nộp cho cơ quan BHXH, tránh tình trạng lợi dụng quỹ của người lao động đóng cho BHXH. Theo tôi, cần phải cải cách thủ tục hành chính để người lao động biết được rằng tiền của mình đóng cho người sử dụng lao động có đến được quỹ BHXH hay không.
Đến nay, chúng ta vẫn chưa xử lý được những khúc mắc này là do việc xử phạt của chúng ta chưa đủ sức răn đe. Tôi đồng tình với việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án, khi đó quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng và bắt buộc doanh nghiệp đó chấp hành.
´Vậy thưa ông, cần phải có biện pháp gì để xử lý những trường hợp cố tình vi phạm?
Theo luật mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đối với cá nhân vi phạm sẽ xử phạt không quá 200 triệu đồng, với các tổ chức là 400 triệu đồng. Mặc dù mức này đã cao hơn rất nhiều so với trước đây là 30 triệu đồng nhưng theo tôi vẫn chưa đủ mạnh. Nếu so sánh số tiền 200 - 400 triệu đồng này với số tiền hàng tỷ đồng mà doanh nghiệp chiếm dụng BHXH thì chưa đủ để ngăn chặn. Vì vậy, không chỉ xử lý bằng mức phạt mà chúng ta phải có chế tài và điều kiện kèm theo. Chẳng hạn như sẽ cho ngừng hoạt động, dừng giấy phép và nghiêm cấm hoạt động doanh nghiệp nếu để xảy ra nợ đọng BHXH thì tính răn đe sẽ cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Thảo Nguyên (thực hiện)