Bà Lò Thị Lún, 84 tuổi là một trong số nghệ nhân thổ cẩm còn theo nghề ở bản Na Sang II. Từ nhỏ, bà đã quen nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa của khung cửi. Năm 16 tuổi, bà được mẹ dạy cách dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Từ đó đến nay, đôi bàn tay khéo léo của bà đã dệt nên hàng trăm sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc.
Ở tuổi xế chiều, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của dân tộc, bà dành nhiều thời gian và công sức để truyền dạy cho con cháu trong bản. Mặc dù yêu nghề nhưng những người trẻ trong làng cũng dần bỏ nghề do thu nhập từ sản phẩm thổ cẩm không đủ trang trải cuộc sống.
Nghệ nhân Lò Thị Lún trăn trở: "Những người trẻ trong làng sau khi học xong đã đi làm ăn xa, không theo nghề. Có người yêu nghề muốn giữ nghề nhưng mỗi tháng làm ra được 10 sản phẩm, thu nhập thấp không đủ sống, sau đó cũng bỏ nghề".
Năm 2004, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang II. Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang II được thành lập với 30 thành viên. Vào khoảng thời gian này, sản phẩm thổ cẩm có nhiều nơi thu mua, đặt hàng, hi vọng cho làng nghề phục hồi được nhen nhóm.
Năm 2010, dự án kết thúc. Do không tìm kiếm được thị trường, mẫu mã không phù hợp, sức cạnh tranh yếu, sản phẩm thổ cẩm làng nghề ngày càng khó tiêu thụ. Ngôi nhà làm nghề tập trung trước đây của Hợp tác xã hiện được dự án khác mượn lại, máy móc bị bỏ không. Các thành viên trong Hợp tác xã hiện chỉ dệt tại nhà vào lúc nông nhàn.
Bí thư Đảng ủy xã Núa Ngam Nguyễn Văn Đóa cho biết: Người dân bản Na Sang II mong muốn lưu giữ nghề dệt của dân tộc mình nhưng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, thu nhập thấp nên người thợ dễ bỏ nghề.
Chứng kiến cảnh làng nghề ngày càng mai một, là người yêu nghề, tâm huyết với giá trị văn hóa của dân tộc, chị Lò Thị Viên, ở bản Na Sang II thường xuyên đến các nhà trong bản vận động người dân tranh thủ thời gian nông nhàn để làm nghề. Chị đã đi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào đã bắt đầu có những đơn hàng từ nhiều nơi.
Hiện nay, các gian hàng ở tỉnh Điện Biên và thành phố lớn trong cả nước đã dần xuất hiện những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào ở bản Na Sang II. Người dân trong bản đã đổi mới mẫu mã sản phẩm, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, giá trị sản phẩm được nâng lên, nhiều cơ sở tìm đến bản Na Sang II để đặt hàng.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào bắt đầu tìm ra hướng đi riêng cho mình. Tuy nhiên, đó vẫn là giải pháp tạm thời. Các cấp, ngành trong tỉnh cần có những biện pháp cụ thể để xây dựng thương hiệu cho làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với mảnh đất Điện Biên.