Nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài: Con dao 2 lưỡi

Nhằm tăng sức hấp dẫn và tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2013, ngoài quy định tăng biên độ giao dịch áp dụng từ ngày 15/1, giải pháp nới biên độ (room) cho khối ngoại cũng được UBCKNN quan tâm xem xét. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về giải pháp này và lo ngại đây có thể là “con dao 2 lưỡi”.

 

Thu hút nguồn vốn ngoại


Giao dịch tại Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS).

Theo luật định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) chỉ được nắm không quá 49% cổ phần tại các công ty niêm yết. Với giải pháp nới biên độ, UBCKNN sẽ phải sửa đổi một số quy định quan trọng trong việc nắm giữ cổ phần của khối ngoại tại các công ty niêm yết. Cụ thể, đối với các công ty niêm yết thuộc loại hình doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối, có thể cho phép NĐTNN tăng tỷ lệ sở hữu lên 51-60%, nhưng với điều kiện không có quyền biểu quyết với phần vượt 49%. Đối với một số ngân hàng thương mại yếu kém cần thu hút thêm vốn NĐTNN để tái cơ cấu, có thể bỏ khống chế tỷ lệ 30% hoặc cho phép NĐT chiến lược nước ngoài nắm giữ vượt mức 20% vốn tại các ngân hàng này. Riêng các tổ chức kinh doanh chứng khoán, có thể xem xét NĐTNN sở hữu vốn đầu tư 49% -100%.


Hiện nay, rất nhiều công ty niêm yết cũng như NĐTNN “sốt ruột” chờ đợi giải pháp này được thực thi. Bởi trong năm qua, mặc dù nền kinh tế được đánh giá là còn nhiều khó khăn, song lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011. Trước tình hình trên, ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SJC, nhận định khi các doanh nghiệp trong nước đang “ngắc ngoải” trên thị trường, việc những công ty mới có dòng vốn ngoại dồi dào sẽ tạo ra cú hích lớn, hỗ trợ đà tăng. Do đó việc chấp thuận cho NĐTNN nâng tỷ lệ sở hữu là hợp lý và cần thiết.


Đồng tình quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng nên quyết định nới “room” sớm cho NĐTNN. Vì trong suốt thời gian qua, TTCK rơi vào giai đoạn tồi tệ, rất nhiều cổ phiếu ở dưới giá trị thực, đặc biệt là các công ty kinh doanh chứng khoán. Theo đó, việc xem xét chấp thuận cho NĐTNN chấp thuận mua từ 49% -100% các công ty chứng khoán sẽ giúp các công ty chứng khoán trong nước đỡ thiệt hơn; đồng thời, giúp các chỉ số chứng khoán không bị giảm sâu như hiện nay.


Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - VAFI, cũng cho biết: “Trong thực tế, đã có nhiều thương vụ NĐTNN đổ hàng ngàn tỉ đồng vào các doanh nghiệp (không niêm yết) có tiềm năng, ngay cả khi doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ hoặc nằm trong lĩnh vực được xem là khó khăn nhất hiện nay như vật liệu xây dựng. Do đó, nếu UBCKNN đồng ý nới biên độ cho NĐTNN thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thu hút thêm vốn đầu tư”.

 

Phụ thuộc vào chất lượng “hàng hóa”


Tuy nhiên, đại diện CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cho dù khối ngoại đang có vai trò hết sức quan trọng, nhưng giải pháp nới “room” ngoại vẫn chưa thể tạo ra tác động tích cực trong ngắn hạn đối với diễn biến của thị trường bởi nhiều lý do.


Thứ nhất, việc mở “room” sẽ chỉ thu hút được NĐTNN đối với một nhóm CP thỏa mãn tiêu chí của họ chứ không có lợi cho toàn thị trường chung. Thứ hai, sẽ mất nhiều thời gian để các giải pháp trên được đưa vào thực tiễn bởi phải sửa đổi các quy định hiện hành. Đặc biệt, sự quan tâm của khối ngoại đối với TTCK Việt Nam phụ thuộc vào quy mô, tính thanh khoản và tương quan so sánh với các thị trường khác trong khu vực và điều kiện tiên quyết chính là sự ổn định vĩ mô. Do đó, một khi các yếu tố trên được cải thiện mới giúp tăng cường sự hấp dẫn của TTCK đối với NĐTNN và ngược lại.


Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN chỉ có lợi đối với nhóm CP được NĐTNN ưa thích. Chính vì vậy, ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc môi giới CTCK MHBS, cho rằng vốn đầu tư nước ngoài vẫn phụ thuộc vào hàng hóa. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp niêm yết hầu như không được NĐTNN quan tâm, trong đó không ít ngân hàng niêm yết đến nay vẫn chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, thậm chí tỉ lệ “room” tại một ngân hàng hiện nay chỉ có... 0,1%.


Nhiều ý kiến chuyên gia khác cũng nhận định, hiện nhiều NĐTNN tham gia sâu vào thị trường Việt Nam chủ yếu ở các lĩnh vực tiêu dùng như: thực phẩm, rượu bia, nước giải khát. Đây là những lĩnh vực chủ đạo khai thác nguồn lực trong nước. Trong khi đó, việc giải cứu doanh nghiệp Việt Nam là cải thiện năng lực quản trị, xa hơn là đem nguồn lực bán ra nước ngoài để thu ngoại tệ. Thế nhưng, hiện vẫn chưa nhiều doanh nghiệp làm được điều này. Theo đó, nếu nới “room” cho NĐTNN, không khéo trở thành “con dao 2 lưỡi”, cụ thể nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài và thua thiệt vẫn là doanh nghiệp nội.


Chuyên gia Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng: “Để TTCK đi lên, không nhất thiết phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại mà còn nhiều nguồn vốn khác có thể hướng vào thị trường chứng khoán. Vì thế, việc nới “room” cho NĐTNN cần cân nhắc và có lộ trình quản lý chặt chẽ. Trước mắt, Chính phủ cần quan tâm đến cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, giải quyết nợ xấu. Bởi kinh tế cứ lình xình, doanh nghiệp đình đốn như hiện nay thì không có cách nào khôi phục được “sức khỏe” của TTCK”.


Hải Yên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN