Theo báo "Le Figaro" ngày 28/11, quyết định của Tổng thống Hollande ngừng bàn giao tàu Mistral đầu tiên cho Nga đã không làm ảnh hưởng đến việc đóng con tàu thứ hai. Trong thời gian đình chỉ, các công trình đóng tàu này vẫn tiếp tục được thực hiện.
Tàu Mistral thứ hai sản xuất cho Nga hiện đang trong tình trạng sẵn sàng nhận các trang thiết bị chi tiết tại công xưởng Saint-Nazaire. |
Tại đại công xưởng Saint-Nazaire, các công nhân của Tập đoàn chế tạo hải quân của Pháp DCNS và nhà thầu phụ là công ty STX France, vẫn tiếp tục các công việc nằm trong kế hoạch đóng tàu "Sebastopol" - tàu chuyên chở trực thăng quân sự lớp Mistral mà Nga đặt hàng. Quyết định của Tổng thống Hollande ngừng vô thời hạn việc bàn giao tàu đầu tiên có tên "Vladivostok" cho lực lượng Hải quân Nga "chưa" phải là trở ngại đối với việc làm và lịch trình sản xuất của các công xưởng liên quan. Về mặt chính thức, hợp đồng 1,2 tỉ euro ký kết năm 2011 giữa hai bên Nga và Pháp vẫn chưa bị hủy bỏ.
Được nhà thi công Nga Baltiiski Zavod bàn giao vào tháng 7, phần đuôi tàu Sebastopol theo kế hoạch được lắp ráp tại Saint-Nazaire với phần trước tàu (phần chỉ huy và phóng hỏa lực - BPC) do STX France sản xuất. Tàu Mistral thứ hai sản xuất cho Nga trên thực tế đã được hạ thủy trong tuần trước và hiện đang trong tình trạng sẵn sàng nhận các trang thiết bị chi tiết. Khoảng 300 công nhân DCNS đang cùng với các nhân công của nhà thầu phụ miệt mài làm các công việc hoàn thiện con tàu. Theo dự kiến, còn khoảng 10 tháng làm việc nữa để "Sebastopol" có thể tiến hành các thử nghiệm đầu tiên trên biển. Sau đó, con tàu sẽ được giao cho phía khách hàng Nga theo đúng lịch trình, tức là khoảng một năm sau việc bàn giao tàu "Vladivostok".
Tuy nhiên, tại công trường, nhiều công nhân đóng tàu "Sebastopol" vẫn tự đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ông Christophe Morel, một cán bộ phụ trách nghiệp đoàn của STX, cho biết: "Chúng tôi như đang chịu một án treo cho đến khi Tổng thống Pháp đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu năm tới". Trong bối cảnh chịu sức ép to lớn từ các đồng minh phương Tây, ông Hollande mới đây đã phải tuyên bố rằng "tình hình tại miền Đông Ukraina không cho phép bàn giao tàu Vladivostok".
Ông Christophe Morel nói: "Tất cả phụ thuộc ông Hollande. Việc Pháp hủy hợp đồng sẽ dẫn đến một loạt vấn đề: chúng tôi sẽ phải làm gì với tàu Vladivostok và có tiếp tục công việc với tàu Sebastopol hay không? Nhưng cho dù ông Hollande có quyết định như thế nào thì cũng phải bảo đảm rằng xí nghiệp và những người ăn lương không phải trả giá. Chúng tôi hy vọng cổ đông Nhà nước sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm với mọi hoàn cảnh". Nhà nước Pháp hiện giữ 33,34% cổ phần của STX France cũng như 65% cổ phần của DCNS bên cạnh tập đoàn Thales.
Theo tính toán, tổng cộng "Vladivostok" và "Sebastopol" sẽ tạo ra khoảng 4 triệu giờ công cho 1.000 việc làm trọn ngày, trong đó có 600 công nhân làm việc tại các công trường ở Saint-Nazaire. Thực tế, hợp đồng ghi rõ việc sản xuất hai tàu trên sẽ diễn ra trong 4 năm, một thời hạn để để hoàn thành các thiết kế của Pháp nhưng chiểu theo các yêu cầu đặc thù của khách hàng Nga, cụ thể tàu phải được trang bị thêm hệ thống làm tan băng trên boong và boong tàu phải cải tiến để có thể tiếp nhận các máy bay trực thăng Kamov. Cuối cùng, cả hai tàu đều phải lắp hệ thống điện theo các tiêu chuẩn riêng của Nga.
Hợp đồng Pháp-Nga tuy chưa bị hủy bỏ nhưng việc đình hoãn bàn giao tàu vô thời hạn có thể tạo ra một nguy cơ tranh chấp kéo dài và tốn kém giữa hai bên. Tuy nhiên, nguy cơ trực tiếp vẫn là các nhà thầu Pháp. Thực tế không phải hai mà là ba công ty liên quan trực tiếp đến hợp đồng đóng các tàu Mistral cho Nga: STX France có phần hợp đồng là 660 triệu euros, DCNS 430 triệu và NAVFCO (thuộc tập đoàn Tư vấn Quốc phòng Quốc tế Pháp - DCI) được trả 30 triệu với phần trách nhiệm chính là đào tạo các đơn vị hải quân Nga liên quan hai tàu nói trên.
Đối với DCNS, một tập đoàn mà Nhà nước Pháp nắm giữ hai phần ba cổ phần, được mất ở đây còn lớn hơn. Hợp đồng 1,2 tỉ euro được bảo lãnh bởi Coface, một công ty chuyên bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Trong trường hợp hợp đồng bị trục trặc, các khoản phạt mà Coface áp dụng cho DCNS sẽ lên đến 20% tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu, tức là khoảng 240 triệu euro. Khoản phạt này còn lớn hơn cả kết quả kinh doanh của DCNS vốn chỉ đạt 166 triệu euro năm 2013.
Tồi tệ hơn, nếu hồ sơ tranh chấp được đưa ra phán xử tại một tòa trọng tài, các khoản nộp phạt chắc chắn sẽ đội lên hơn một tỉ euro. Còn một tổn thất nữa chưa thể xác định, đó là việc hiện nay, trong thời gian mòn mỏi chờ đợi lệnh bàn giao sản phẩm đầu tiên, DCNS sẽ phải chịu phí tổn cho việc bảo trì tàu Vladivostok trên cảng.
TTK