Phạt nặng hành vi mua bán ốc bươu vàng

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, hành vi nhân nuôi, mua bán, vận chuyển và phóng thích ốc bươu vàng - sinh vật gây hại nguy hiểm với ngành sản xuất nông nghiệp, sẽ bị phạt rất nặng, đến 12 triệu đồng từ ngày 20/11.

Ốc bươu vàng phá hàng nghìn ha lúa


Trong những ngày gần đây, tại các tỉnh phía Nam đang bùng phát tình trạng thu mua ốc bươu vàng với số lượng lớn. Trong khi đó, đây là loài sinh vật gây hại nguy hiểm đối với ngành nông nghiệp.

 

Việc thu gom, mua bán ốc bươu vàng tại các tỉnh phía Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán ốc, trứng ốc theo dòng lũ. baohaugiang.com.vn


Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Bùi Sĩ Doanh, ốc bươu vàng được liệt kê trong danh sách các loài ngoại lai xâm hại tại Thông tư 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2011. Thực tế, loài động vật này được du nhập vào nước ta vào năm 1988 với mục đích làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sau đó, chúng thoát ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sống thích hợp nên đã phát triển thành loài động vật gây hại cho lúa và một số cây trồng dưới nước khác trên địa bàn cả nước, nhưng nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh phía Nam. Có thể nói, cho đến thời điểm này, ốc bươu vàng là loại động vật nguy hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp nước ta, do ốc bươu vàng sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo Bộ NN&PTNT, đến đầu tháng 11, cả nước có gần 10.000 ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại, thuộc hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.


Nguy hiểm là vậy nhưng ốc bươu vàng đang trở thành đối tượng tìm kiếm, thu mua của nhiều người dân và thương lái. Điều đáng lo ngại hơn là cả người bắt ốc, mua bán ốc đều không biết các thương lái mua ốc bươu vàng vào mục đích gì. Hơn nữa, việc thương lái thu mua có thể sẽ khiến người dân gia tăng nhân nuôi ốc bươu vàng. Đây lại đang là mùa lũ ở ĐBSCL nên ốc và trứng ốc dễ dàng phát tán trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.


Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, việc người dân, thương lái mua bán ốc bươu vàng vi phạm Nghị định 26/2003/NĐ - CP bởi ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai gây hại, bị cấm nuôi ở nước ta. Theo ông Hồng, sở dĩ tồn tại tình trạng người dân và thương lái thản nhiên mua bán loài sinh vật này là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của ốc bươu vàng đối với sản xuất nông nghiệp. Chế tài xử phạt đối với các hành vi nuôi, mua bán ốc bươu vàng còn chưa đủ sức răn đe - tối đa chỉ ở mức 2 triệu đồng. Trong khi đó, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật này tới người dân.


Nâng mức xử phạt


Trước tình trạng các thương lái đang tổ chức thu mua loài sinh vật gây hại này tại các tỉnh phía Nam, Cục BVTV đã chỉ đạo chi cục BVTV các địa phương phổ biến cho người dân những quy định về việc cấm nuôi, mua bán, trao đổi, vận chuyển; kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân mua bán, nhân nuôi, vận chuyển ốc bươu vàng.


Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết thêm, hiện Nghị định 26/2003/NĐ - CP không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 114/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật. Cụ thể, các hành vi nhập khẩu, vận chuyển, nhân nuôi, lưu giữ, phóng thích dịch hại nguy hiểm đối với tài nguyên thực vật mà không được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho phép bằng văn bản sẽ bị phạt từ 3 - 6 triệu đồng. Trong trường hợp nhập khẩu, vận chuyển, nhân nuôi, phóng thích dịch hại nguy hiểm với mục đích thương mại sẽ bị phạt từ 6 đến 12 triệu đồng. Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy dịch hại nguy hiểm, chi phí tiêu hủy do người vi phạm phải chi trả.


Theo ông Hồng, từ ngày 20/11, các hành vi nhân nuôi, mua bán, vận chuyển ốc bươu vàng sẽ bị điều chỉnh và xử phạt theo Nghị định này. Còn trước mắt, Cục yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có các hành vi nêu trên theo Nghị định số định 26/2003/NĐ - CP của Chính phủ.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN