Trong quá trình phát triển, sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ khiến bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc dần bị mai một. Dân tộc Dao Đỏ ở Tuyên Quang cũng không ngoại lệ. Nghi lễ cưới của dân tộc Dao Đỏ với những bản sắc, nét đẹp tinh tế riêng biệt cũng đứng trước nguy cơ mai một.
Với mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Đỏ, Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành phục dựng lại nguyên bản lễ cưới của người Dao Đỏ.
Đã lâu rồi, thôn Sơn Thủy, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) mới lại nhộn nhịp, bởi đám cưới của chú rể Tòng Đức Phúc và cô dâu Lý Kim Khánh. Đây là đám cưới được tổ chức đúng với nguyên bản đám cưới truyền thống của người Dao Đỏ ở Tuyên Quang. Các chị em phụ nữ hầu như ai cũng diện trang phục truyền thống đến giúp việc cho gia đình và dự lễ cưới…
Trong đám cưới của người Dao Đỏ, mọi nghi lễ chính được tổ chức tại nhà trai, còn ở nhà gái trước khi đưa dâu chỉ làm một lễ cúng đơn giản và bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho đám cưới này được diễn ra trước đó khá lâu, bởi để có được một bộ trang phục truyền thống trong ngày cưới, gia đình cô dâu đã phải chuẩn bị mất 6 tháng.
Cô dâu, chú rể trong trang phục truyền thống. |
Trong lễ cưới, cô dâu Lý Kim Khánh nổi bật với trang phục gồm chiếc khăn, mũ trùm kín đầu được đính nhiều nụ hoa, đá màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt, bởi người Dao Đỏ quan niệm, không để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Lý Kim Khánh chia sẻ: "Các bạn của em đa phần tổ chức đám cưới theo kiểu hiện đại. Vì vậy em rất vui khi được gia đình tổ chức đám cưới của mình đúng với phong tục truyền thống. Qua đám cưới em đã hiểu rõ hơn những nét đẹp văn hóa của chính dân tộc mình".
Trong ngày lễ đón dâu, một trong những nét nổi bật và cũng là điểm khác biệt của người Dao ở Tuyên Quang là chú rể sẽ không đến nhà gái để đón dâu, mà cô dâu cùng đoàn nhà gái sẽ tự đến nhà trai. Khi đoàn gần đến nơi sẽ dừng lại giữa đường để chỉnh sửa trang phục và đợi đoàn nhà trai đến đón. Đúng giờ đã chọn, đoàn nhà trai gồm đội kèn, trống, chũm chọe, chủ lễ và đại diện nhà trai, đến đón dâu.
Một trong những nghi lễ quan trọng, không thể thiếu trong đám cưới của người Dao Đỏ là lễ nhập khẩu cho cô dâu và đặt tên cho chú rể khi về đến nhà trai. Đây là nghi lễ quan trọng và bắt buộc bởi chỉ khi hoàn thành nghi lễ này cô dâu và chú rể mới được chính thức vào nhà và cô gái mới chính thức trở thành thành viên của nhà chồng.
Sau các nghi thức chính gia đình nhà trai sẽ mời anh em, bạn bè làng xóm đến chung vui, dùng cơm và đến tối sẽ diễn ra nghi lễ nhận mặt họ hàng. Mọi người tổ chức hát Páo Dung, trò chuyện đến sáng hôm sau, nhà gái làm thủ tục trả lễ cho nhà trai và ra về. Khi tiễn nhà gái, đội kèn, trống lại đi vòng quanh đoàn nhà gái ba vòng theo chiều kim đồng hồ để cởi trói cho nhà gái vì hôm trước đón dâu về, thầy kèn đã đi ngược chiều kim đồng hồ để trói lại. Họ hàng nhà gái đã về khuất sau ngọn núi, tiếng kèn trống vẫn còn vang vọng. Từ lúc này, cô gái đã chính thức trở thành người của nhà chồng…
Nguyễn Văn Tý