Những đòn trừng phạt mới mà phương Tây đe dọa áp đặt với Nga được dự đoán sẽ làm cô lập đáng kể nước này, khiến "sức khỏe" kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận khổng lồ về khí đốt. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới phân tích cảnh báo nền tài chính Nga bị ảnh hưởng nặng nề sẽ khiến cho các ngân hàng cũng như doanh nghiệp Nga không tiếp cận nguồn vốn từ các thị trường nước ngoài. Hoạt động thương mại cũng sẽ gặp khó khăn do ách tắc trong giao dịch qua hệ thống ngân hàng trên thế giới. Trừng phạt thương mại và hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ phương Tây có thể dẫn tới tình trạng khan hiếm và lạm phát.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Kudrin thậm chí còn dự đoán thiệt hại của Nga hàng năm do các biện pháp trừng phạt có thể lên tới 50 tỷ USD. Tuy nhiên, rất ít người cho rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ được kích hoạt vì chúng giống như "con dao hai lưỡi" khiến phương Tây cũng thiệt hại nặng nề.
Với Mỹ, Nga chỉ là đối tác thương mại đứng thứ 20, với kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang thị trường Nga trị giá 11 tỷ USD, song nhiều công ty Mỹ không vì thế mà không bị ảnh hưởng. PepsiCo Inc., nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống lớn nhất ở Nga với doanh thu năm 2013 đạt 4,9 tỷ USD, đã không thể đưa Giám đốc điều hành của mình tới tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế ở St. Petersburg năm nay do áp lực từ Nhà Trắng. Các đại gia khác như Ford Motor và Boeing, vốn ấp ủ những kế hoạch làm ăn lớn tại Nga đang lo ngại Nga trả đũa nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế nước này được kích hoạt.
Bên kia Đại Tây Dương, giới phân tích châu Âu cảnh báo trừng phạt trước tiên sẽ tác động tới kinh tế khu vực này. Châu Âu sẽ là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất chứ không phải Mỹ, nước "to mồm" nhất trong vấn đề trừng phạt Nga. Hiện Liên minh châu Âu (EU) tiêu thụ gần 1/2 lượng hàng hóa xuất khẩu của Nga - trị giá 292 tỷ USD/năm - và xuất sang Nga các sản phẩm trị giá 169 tỷ USD. Khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, đang hoạt động tại Nga với số vốn đầu tư 20 tỷ euro đồng thời 300.000 chỗ làm tại Đức phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Nga.
Theo một tính toán không chính thức, trong trường hợp Nga phải chịu các biện pháp trừng phạt hà khắc, kịch bản xấu nhất là GDP của Đức trong năm 2014 sẽ giảm xuống còn 0,9% so với mức tăng trưởng dự kiến là 1,6%. Đó là chưa kể tới những ảnh hưởng thực tế còn nghiêm trọng hơn đối với hộ gia đình và thị trường do giá năng lượng leo thang. Như vậy, kinh tế Đức sẽ lại bước vào cuộc khủng hoảng mới trong khi vẫn phải hậu thuẫn các nước Đông Âu vốn còn ở tình trạng tồi tệ hơn, do một số trong số này phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga. Tính trung bình, kinh tế Đức sẽ bị thua thiệt khoảng 0,3% GDP. Hiện tỷ trọng khí đốt Nga trong tổng mức tiêu thụ của Đức là 46%, dầu mỏ là 37%, nguyên liệu thô như đồng lên tới 94%.
Tuy nhiên như người ta thường nói, rủi ro của người này là cơ hội của người khác và nhiều nhà phân tích đang nhắc tới thuật ngữ "địa kinh tế" thay cho thuật ngữ "địa chính trị". Nga đang hướng tới phương Đông và các nước trong khu vực này có cơ hội lớn để thay thế phương Tây tiếp cận thị trường cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn của Nga. Cõ lẽ Trung Quốc là nước phương Đông đầu tiên được hưởng lợi từ sự xoay trục "địa kinh tế" này với 40 thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận khổng lồ về khí đốt được ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Duy Trinh(P/v TTXVN tại Nga)